Tại sao Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị tại Việt Nam?

Theo thông tin báo chí tại cuộc họp báo, trong nội dung tại sao “Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị tại Việt Nam?” ông Justin Wood nhấn mạnh: “Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sôi nổi với mức tăng trưởng hơn 7% một năm, cùng dân số trẻ gần 100 triệu người”

 

“Việt Nam đã và đang phát triển nhiều khía cạnh vững mạnh của nền kinh tế, bao gồm một khu vực sản xuất - xuất khẩu cạnh tranh, một thị trường tiêu dùng sôi động và những cơ hội hấp dẫn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Tất cả những yếu tố khiến Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu” – ông nói.

Cũng theo Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, “Từ quan điểm chính sách, Việt Nam có nhiều đặc tính thú vị, cho thấy chính phủ sẽ có nhiều đóng góp vào những cuộc thảo luận chính sách quan trọng”.

Ông Justin Wood nêu rõ các đặc tính này là: “Cam kết mạnh mẽ để thấu hiểu ý nghĩa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với một quốc gia có thu nhập tầm trung, những lộ trình phát triển và công nghiệp hóa.

Cam kết tích cực trong việc phát triển các liên minh thương mại toàn cầu: Việt Nam là một nước ủng hộ mạnh mẽ khối ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng phản ứng của khu vực trước những thách thức cam go. Đồng thời, Việt Nam là một phần của vùng Mekong thuộc ASEAN và đang đóng góp cho tầm nhìn mới của một Mekong hội nhập.

Cuối cùng, Việt Nam là đối tác quan trọng của Diễn đàn, và chúng tôi có nhiều dự án cũng như sáng kiến thú vị đang và sẽ triển khai tại đây”.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN lần thứ 27 tổ chức tại Hà Nội từ 11-13.9 với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Đây là lần thứ 2, Việt Nam đăng cai Hội nghị khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sau lần tổ chức tại TP.HCM năm 2010. Thêm vào đó, Việt Nam từng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong năm 2016.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến có hơn 900 đại biểu tham dự từ 43 quốc gia, đại diện cho các doanh nghiệp, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học, nghệ thuật, xã hội dân sự, truyền thông và quốc tế. Có 9 lãnh đạo nhà nước hoặc chính phủ và hơn 92 nhân vật đại diện cho tất cả các quốc gia ASEAN, trong đó có Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith… Dự kiến, Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ có 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng.