Italia muốn hợp tác với Việt Nam trong 4 lĩnh vực

HVS_5498

Bà Cecilia Piccioni và Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, Chính phủ vừa giao cho VCCI chủ trì, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Ngoại giao phối hợp xúc tiến thương mại đầu tư với các nước trọng điểm. Nhật Bản sẽ là đối tác đầu tiên hợp tác theo mô hình kiểu mới này. Chủ tịch VCCI hy vọng, Italia sẽ là nước thứ hai hợp tác với Việt Nam theo mô hình mới này.

Đánh giá lĩnh vực thời trang của Italia là nước hàng đầu thế giới, ông Lộc mong muốn chính phủ Italia sẽ giúp đỡ ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ông muốn các thương hiệu của Ý sẽ trực tiếp đặt nơi thiết kế tại Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ thuê lao động Việt Nam gia công sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, là nước có nhiều tiểu vùng khí hậu đặc biệt thuận lợi, tuy nhiên lại thiếu khoa học công nghệ, nếu giá cả công nghệ của phía Italia hợp lý, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng đón nhận.

Bà Cecilia Piccioni cho biết, Italia muốn được đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong 4 lĩnh vực đó là: Thương mại, đầu tư phát triển công nghệ, du lịch, đào tạo. Bà Cecilia Piccioni cho biết thêm, hiện Italia cũng đang triển khai chương trình hợp tác về tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương giúp Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, Italia đang tiến hành triển khai dự án cho vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 lĩnh vực dệt may, da giày và đồ gỗ với tổng vốn lên đến 15 triệu EUR với lãi suất 0% và thời hạn cho vay trong vòng 24 năm. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ máy móc, công nghệ mới nhất cũng như giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho  các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Bà Cecilia Piccioni hy vọng, dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có thể cung cấp những sản phẩm tốt cho nội địa cũng như tạo ra được những sản phẩm may mặc có giá trị xuất khẩu cao.

Theo ông Guido Fabiani – Phó Chủ tịch vùng Lazio, doanh nghiệp vùng Lazio của Italia có thế mạnh về công nghiệp, ứng dụng công nghiệp công nghệ cao trong bảo quản thực phẩm. Ví dụ: công nghệ giúp bảo quản hoa quả, thực phẩm 20 ngày chỉ với nước và không khí. Phía Italia cũng muốn được tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy thương mại ngành du lịch giữa hai nước. “Italia là một quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa. Chúng tôi hoàn toàn của thể chia sẻ lại những kinh  nghiệm, công nghệ đó để giúp Việt Nam ” – ông Guido Fabiani, nhấn mạnh.

HVS_5533

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (giữa) chụp hình cùng đoàn đại biểu Italia

Lazio là vùng tây trung Italia, có thủ phủ là Roma, thủ đô của Italia. Lazio tập trung phát triển kinh tế xanh, với thế mạnh là công nghệ xanh và sạch, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn nguyên liệu từ nước và tài nguyên khoáng sản.  Bảo tồn và duy trì di sản văn hóa. Quản lý và sử dụng bền vững mạng lưới năng lượng. Công nghiệp hàng không vũ trụ. Các doanh nghiệp vùng Lazio hoạt động kinh doanh nhiều mảng: Sản xuất rượu vang, các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, xây dựng..

Italia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 4 tỉ Euro trong năm 2013 và dự báo sẽ đạt 5 tỉ Euro vào năm 2016. Tính đến hết tháng 6/2015, Italia đứng thứ 29 trong số 101 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 66 dự án với trị giá khoảng 391 triệu USD. Một số công ty Italia đầu tư hiệu quả tại Việt Nam như Perfetti (kẹo), Ariston Thermo, Technip Italy, Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Piaggo (xe máy scooter), Pirelli, Finmeccanica (thiết bị quốc phòng), Gattinoni (thời trang), Bonfiglioli, Datalogics.

Hoàng Sang