Mỹ-Thổ bỏ trừng phạt lẫn nhau chỉ là bước đầu “phá băng” quan hệ

Việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ trừng phạt lẫn nhau được coi là bước đi cải thiện quan hệ đầu tiên giữa hai nước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Tuy nhiên, để mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này được phá băng hoàn toàn và trở nên tốt đẹp hơn, Mỹ - Thổ vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

my va tho bo trung phat lan nhau chi la buoc dau pha bang quan he hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh: Reuters)

 Thiện chí của Mỹ

Bước đi “thiện chí” bắt đầu từ phía Mỹ, khi quốc gia này ngày 2/11 thông báo gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington từng áp đặt vào hồi tháng 8nhằm vào Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu và Bộ trưởng Tư pháp nước này Abdulhamit Gul.

Quyết định mới nhất của Mỹ đã làm thỏa mãn một phần nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra gần đây sau khi quốc gia này thả tự do cho mục sư Andrew Brunson vào ngày 12/10 vừa qua – một động thái được Tổng thống Mỹ Donald Trump coi là “một bước tiến quan trọng” trong mối quan hệ giữa Washington và Ankara.

Ít phút sau thông báo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lập tức thông báo gỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Theo đó lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của hai quan chức này tại Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn hiệu lực.

Đây là một bước đi mang “tính xây dựng” hướng tới cải thiện và tăng cường mối quan hệ song phương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí thực thi trong cuộc điện đàm trước đó 1 ngày.

Theo thông tin mới nhất được Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez vừa tiết lộ, nhiều khả năng Ankara cũng sẽ nhận được quyền miền trừ lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ áp đặt vào Iran vào ngày 5/11 tới, khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiếp tục nhập khẩu nguồn dầu từ Iran.

“Chúng tôi từng nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận thương mại dầu khí với các nước láng giềng đối với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Donmez cho biết. “Chúng tôi thấy rằng các lựa chọn thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ là rất hạn chế. Theo thông tin chúng tôi nhận được, thì Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các nước sẽ được Mỹ miễn trừ trừng phạt khi mua dầu của Iran tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được thông tin chi tiết.”

Tình đồng minh thân thiết xưa kia

Những bước đi này chắc chắn sẽ góp phần hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ mong muốn từ đồng minh “thân thiết xưa kia” của mình được cho là còn nhiều hơn thế.

Đầu tiên phải kể đến mong muốn của Ankara về việc Washington nên chấm dứt việc áp mức thuế quá cao, lần lượt là 20% và 50% lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ – một động thái đã khiến Ankara lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ suốt mấy tháng qua.

Những động thái “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau liên quan đến vấn đề này đã khiến cả hai bên chịu thiệt hại nặng về kinh tế. Nếu việc áp thuế được hai bên gỡ bỏ thì đây mới có thể được coi là bước đi lớn trong việc “phá băng” căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước.

Không những thế, hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn tồn tại các bất đồng trong rất nhiều vấn đề như: đòi hỏi Mỹ phải dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gullen về Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thả các nhà hoạt động nhân quyền của Mỹ, mâu thuẫn quan điểm trong vấn đề người Kurd – Syria và cả sự không hài lòng của Mỹ về chính sách thân Nga và Iran của chính quyền Ankara./.

Theo Đình Nam/VOV1