Doanh nghiệp phát triển thương hiệu Việt vững mạnh vươn ra biển lớn

Động lực của khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tiếp tục phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có hơn 600 nghìn doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.  Xét trong tương quan so sánh về các chỉ số tài chính, thu hút lao động và đóng góp ngân sách, càng ngày càng không thể phủ nhận sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, như một xu hướng tất yếu.

Tuy vậy, sau một phần ba thế kỷ, thời gian đủ để một quốc gia trên thế giới kịp “thay da đổi thịt” nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chậm chuyển động.

Bức tranh kinh tế tư nhân thiếu mất nhóm doanh nghiệp cỡ vừa (hiện chỉ chiếm chưa đến 3%); hầu hết có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp tư nhân đầu đàn dường như vẫn đang tập trung vào bất động sản, xây dựng và đầu tư tài chính...

Khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân vẫn là đất đai và sự bấp bênh của quyền sử dụng đất; vấn đề thuế và nóng bỏng hơn là những phàn nàn về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức...

Nói đến doanh nghiệp tư nhân, người ta thường nói đến quyền tự chủ, quyền tự định đoạt, quyền tự chịu trách nhiệm trước hoạt động kinh doanh của mình bằng tất cả những tài sản mình có. Chính vì vậy, vai trò của người chủ doanh nghiệp rất quan trọng, thể hiện sự quyết đoán, nhanh nhạy, hành động nhanh trong cơ chế thị trường. Nhờ hành lang pháp lý, nhiều doanh nghiệp đã có thành công nhất định trong thương trường như Tân Hiệp Phát, Vin group, TH True milk... bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta hiện chiếm 98%, nhưng ở các nước khác như: Đức, Nhật, Mỹ... là 99%. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa là đa ngành, tất cả các lĩnh vực, nên ổn định nền kinh tế vĩ mô của khối doanh  nghiệp này rất quan trọng. Những doanh nghiệp nhỏ nếu kết nối với các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển kinh khủng, còn nếu đi một mình sẽ khó.

Đáng chú ý, để khối doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh, rất cần những doanh nghiệp “đầu đàn”. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương đó để noi theo. Đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. “Tôi lấy ví dụ câu chuyện của Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như nào thì doanh nghiệp phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội”- ông Nguyễn Văn Thân nói.

Về vốn đầu tư, năm 2017 vốn của khu vực tư nhân chiếm 40,5% trong tổng nguồn vốn của xã hội và tăng đến 16,8% so với năm trước. Nếu tính từ năm 2016 - 2018, khu vực tư nhân chiếm bình quân 40,8% tổng vốn so với giai đoạn 2011 - 2015 (38,3%). Những con số trên đã nói lên cụ thể, rõ ràng hơn rằng động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đã và đang tiếp tục phát huy ngày càng nhiều hơn, quan trọng hơn. TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho biết. 

“Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu đơn thuần chỉ là xuất khẩu thì là câu chuyện khác. Còn thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường mà các DN khác đã tồn tại sẵn rồi thì là điều rất khó. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị đương đầu với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn, phải dùng từ “sánh vai” hoặc “vượt lên” chứ không phải ở vị thế “bắt kịp” nữa. Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.