Nghị định nhắc doanh nghiệp “nhớ” trách nhiệm với lao động nữ

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: VGP/Phương Liên

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ để giải đáp những vấn đề xung quanh chính sách dành cho lao động nữ vừa được ban hành trong Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015.

Lao động nữ chiếm sự quan tâm ở mức độ nào trong hệ thống văn bản, chính sách dành cho người lao động, thưa ông? Ông đánh giá thế nào về hệ thống chính sách dành cho lao động nữ ở nước ta hiện nay? Đã đầy đủ và hoàn thiện hay chưa?

Ông Hà Đình Bốn: Thực trạng xã hội từ ngàn đời nay, bao giờ phụ nữ cũng là những người bị thiệt thòi hơn, vì vậy đã đến lúc phải tăng cường chính sách cho lao động nữ để ngang bằng với nam giới. Trong tất cả các lĩnh vực, pháp luật về bình đẳng giới nói chung và các chính sách về nữ nói riêng, trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ các Nghị quyết, các văn kiện của Đảng, chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến phụ nữ.

Chúng ta có Luật Bình đẳng giới ban hành năm 2006 với rất nhiều tiêu chí bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ. Sau đó năm 2007, chúng ta ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, thiên về bảo vệ cho những người phụ nữ yếu thế. Song song với đó, chúng ta ban hành rất nhiều nghị định hướng dẫn cho 2 luật này. Đặc biệt, trong năm 2015 vừa qua, Việt Nam đã có Báo cáo thực hiện Công ước quyền của phụ nữ, phòng chống mọi phân biệt đối với phụ nữ  đã được đệ trình, bảo vệ thành công tại Geneve (Thụy Sĩ).

Tóm lại, chính sách cho lao động nữ của chúng ta tương đối đầy đủ hoàn thiện, từ văn bản cao nhất là Hiến pháp đến các Bộ luật và Luật. Ví dụ như Luật Hôn nhân và gia đình cũng ghi rõ chính sách với phụ nữ thế nào, với bà mẹ nuôi con thế nào… Trong các điều khoản của pháp luật quy định về hệ thống chính trị của nước ta cũng ghi rõ quyền được tham gia, quyền được ứng cử của phụ nữ, quy định về tỉ lệ nữ trong cấp ủy, trong quốc hội, hội đồng nhân dân, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng đã dành cả Chương 8 quy định 8 điều về lao động nữ rất cụ thể. Ngoài ra, các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cũng đều quy định chính sách đối với lao động nữ khi nghỉ thai sản, nghỉ con ốm đau… Hiện cũng có một chính sách nữa có hiệu lực từ 1/1/2016 là phụ nữ sinh con thì chồng cũng được nghỉ một thời gian nhất định để chăm sóc.

Khi ban hành chính sách dành cho lao động nữ, cơ quan soạn thảo gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Hà Đình Bốn: Trong chính sách lao động nữ thì có rất nhiều quy định, về lao động, về việc làm, ưu tiên nghề nghiệp hay thời gian nghỉ… và phải tiếp tục có các nghị định để làm rõ, giải thích. Triển khai Bộ luật Lao động năm 2012, có hiệu lực từ 1/7/2013, Chính phủ đã ban hành hơn 20 Nghị định chuyên về Bộ luật Lao động, trong đó có quy định cụ thể liên quan đến việc làm, tiền lương đối với lao động nữ, tiền lương, hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ thai sản... đối với lao động nữ.

Đặc biệt, gần đây đã bổ sung thêm một nghị định nữa theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo là Nghị định 85 với rất nhiều nội dung, quy định cụ thể việc thực hiện một số chính sách trong Bộ luật Lao động. Ví dụ như phải xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo để đảm bảo cho lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cũng như con dưới 36 tháng tuổi cần phải gửi trẻ. Rồi quy định về thời gian, khu vực làm việc cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như việc nghỉ giữa ca lao động, kể cả chế độ nghỉ theo chu kỳ sinh lý của người phụ nữ…

Có doanh nghiệp thắc mắc rằng quy định thời gian nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian “đèn đỏ” là thời điểm nào trong ngày, và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lao động nữ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Hà Đình Bốn: Nghị định 85 này chỉ đưa ra một số định hướng cụ thể và khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho người lao động trên cơ sở cùng hài hòa lợi ích, quyền lợi, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Về quy định nghỉ 30 phút, trước khi ban hành Nghị định, chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều. Không thể quy định rõ nghỉ lúc nào mà tùy theo diễn biến tâm lý, sinh lý của nữ lao động. Chúng ta không thể quy định cứng, vì có thể lúc người ta cần nghỉ thì không cho nghỉ, lúc người ta không cần nghỉ thì lại cho nghỉ. Vì vậy quy định mang tính bắt buộc, còn thực hiện thế nào thì tùy nghi lựa chọn, cho phép người lao động được quyền lựa chọn, được nghỉ hợp lý. Nghị định quy định ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được với đại đa số. Luật pháp là quy định cho số đông, chứ không phải quy định cho thiểu số.

Tinh thần của Nghị định 85 là quy định mang tính chất định hướng chứ không cứng nhắc vì rút kinh nghiệm thời gian trước chúng ta ban hành Nghị định 23 hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 1994 nhưng không thực hiện được, không khả thi.

Theo quy định của Luật, Chính phủ chỉ hướng dẫn những quy định mà Quốc hội ban hành, cụ thể là các Luật. Mặc dù ở đây không có yêu cầu hướng dẫn riêng về lao động nữ nhưng qua thực tiễn triển khai thấy cần và nhiều bộ, ngành đề nghị nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành đồng thuận ban hành Nghị định này để đảm bảo hài hòa các lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động.

Chúng ta có chế tài nào dành cho những đơn vị sử dụng lao động nữ không thực hiện đúng, đầy đủ quy định của Nghị định đã ban hành không?

Ông Hà Đình Bốn: Tất nhiên luật pháp phải tính nghiêm minh, có tính răn đe, cưỡng chế. Nghị định này có quy định về xử phạt hành chính không? Nghị định không quy định rõ điều này. Tuy nhiên, trước hết, tinh thần là phải khuyến khích để tất cả các bên đều chấp nhận được, thông qua tổ chức của người lao động, tất cả các bên cùng thương lượng, thỏa thuận với nhau. Bản thân người sử dụng lao động cũng muốn chăm lo cho người lao động để họ làm ra của cải vật chất, để giữ nguồn nhân lực… Nguyên tắc là như vậy chứ không trên nguyên tắc cứ phải xử lý, xử phạt. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, nếu có những hành vi mang tính bắt buộc hoặc liên quan đến những luật khác thì sẽ nghiên cứu để có những giải pháp thực hiện. Ví dụ như đối với đất đai, cần có quy hoạch để có nhà trẻ, mẫu giáo, đảm bảo miễn thuế… rồi xây dựng thì phải thiết kế thế nào. Nếu những gì thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì chúng tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất, nếu không thuộc Bộ thì cũng sẽ nghiên cứu để đề xuất với các bộ, ngành khác, ví dụ Bộ GTVT hay Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính để thực hiện cho đúng.

Nghị định mới ban hành, mới có hiệu lực được 10 ngày, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như đề nghị các tỉnh, thành phố, các cơ quan Nhà nước tuyên truyền, giới thiệu đến các doanh nghiệp, làm thế nào để chúng ta thực hiện thật tốt. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, sẽ phải nghiên cứu tiếp sao cho hài hòa nhất với thực tiễn hiện nay.

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm: Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.

Phương Liên (Chinhphu.vn)