Vốn ngoại và những nét chấm phá

Ảnh minh họa

Với những bước tăng tốc trong khoảng 4 tháng cuối năm, thu hút FDI đã về đích ngoạn mục. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đến hết ngày 15/12/2015 đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014, theo số liệu mới cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Sở dĩ phải dùng từ “ngoạn mục” vì cho đến hết tháng 8/2015, vốn FDI đăng ký vẫn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ có một số dự án tỷ đô được cấp phép trong 4 tháng cuối năm, dòng vốn này đã đột ngột xoay chiều.

Cũng nhờ những diễn biến bất ngờ trong 4 tháng vừa qua mà cục diện bức tranh FDI năm 2015 có thêm nhiều nét cá biệt so với các năm trước. Điển hình như việc Malaysia bất ngờ vượt qua một loạt các nước khác để trở thành NĐT nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam trong năm nay, nhờ dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 đầu tư tại Trà Vinh, với tổng số vốn 2,4 tỷ USD.

Trong khi đó, giữ vững ở ngôi đầu bảng là Hàn Quốc, với cái tên tiêu biểu đóng góp lớn về vốn đăng ký là Samsung. Cho đến những ngày cuối tháng 12, NĐT này vẫn tiếp tục nâng tổng vốn đầu tư của Dự án Tổ hợp Samsung CE Complex tại TP. Hồ Chí Minh từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD.

Riêng trong năm nay, đầu tư của Samsung đã chiếm hơn một nửa trong số 6,72 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc. Nhờ đó, số vốn từ quốc gia này chiếm tới 29,6% tổng vốn đầu tư, đứng đầu trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Sự mở rộng không ngừng của Samsung cho thấy xu hướng phân hoá của dòng vốn FDI đang ngày càng mạnh, mà Samsung là nhân tố tạo ra sự mở rộng của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Cùng với Samsung, đã có nhiều NĐT khác đi theo hưởng lợi, thể hiện ở con số 702 dự án cấp mới, 260 dự án tăng vốn, đều đến từ Hàn Quốc. Điều này cho thấy chuỗi sản xuất của Samsung đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều.

Nhật Bản đã có một năm khá trầm lắng trong đầu tư FDI vào Việt Nam khi chỉ đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,84 tỷ USD chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư. Trong năm vừa qua, quốc gia này cũng không có dự án tỷ đô nào. Điều này có vẻ trái ngược với những kỳ vọng về làn sóng đầu tư thứ ba từ Nhật Bản.

Tuy nhiên theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam lùi bước trước các NĐT khác chỉ mang tính thời điểm. Đồng thời, con số 1,84 tỷ USD cũng không phải là kết quả tồi. Sự trầm lắng của dòng vốn từ Nhật Bản là bởi các NĐT trong năm qua chủ yếu tập trung vào các dự án nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thu hút thêm các NĐT thứ cấp để hoàn thiện chuỗi sản xuất đã thiết lập lâu nay tại Việt Nam.

Một thành tựu đáng ghi nhận khác là năm nay, vốn FDI thực hiện đã đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước. Đây là dấu hiệu ít thấy của các năm trước, cũng thể hiện sự hối hả “vào cuộc” của NĐT nước ngoài. Một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, điều này thể hiện sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, 70% số vốn FDI thu hút mới và tăng thêm là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Riêng trong năm 2015, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký. Cùng với đó, vốn FDI trong năm qua cũng phân hoá tập trung vào một số lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu như đồ điện tử, dệt may, da giày…

Sự mở rộng đầu tư của khu vực FDI, cùng với con số kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng qua các năm cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của khối ngoại khá tốt. 

Ngọc Khanh (thời báo Ngân hàng online)