Đề nghị rà soát tổng thể nạn buôn người ở Việt Nam

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại Quốc hội chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp) gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân tử vong trong container tại Anh. Ông mong muốn Chính phủ sẽ có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm đưa người sang nước ngoài trái phép.

Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng đưa người sang nước ngoài trái phép là do quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động nhiều bất cập, thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn, người dân thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ nhà chức trách. Hơn nữa, chi phí xuất khẩu lao động quá cao và không minh bạch. Việc đào tạo, cấp đổi giấy phép kinh doanh xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập, trong khi nhu cầu ở nhiều địa phương quá lớn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

"Thực tế đó dẫn đến xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo, thừa cơ đục nước béo cò. Cò xuất khẩu lao động hoạt động ở mọi nơi, các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép có nhiều đất để hoạt động", ông Hiển phân tích.

Ông đề nghị cơ quan quản lý xuất khẩu lao động rà soát kỹ và có giải pháp khắc phục những bất cập trên. Lực lượng điều tra hải quan cần phối hợp với các nước phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này. 

"Việc tuyên truyền cũng cần đặc biệt chú ý để người dân hiểu rõ hành vi đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp là tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Đừng để người dân coi vi phạm trên như một thông lệ, rồi tiếp tay cho tội phạm", đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị.

Đại biểu Hứa Thị Hà dẫn số liệu, nửa đầu năm 2019, đã có 67 vụ với 112 bị can bị khởi tố vì tội mua bán người. "Tình hình mua bán người diễn ra hết sức phức tạp, nhất là địa bàn miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số", bà nhận xét. 

Đại biểu Hà cho rằng báo cáo của Chính phủ về tình hình mua bán người ở Việt Nam chưa đánh giá toàn diện về thực trạng này. Bà dẫn chứng, việc mua bán bào thai là hành vi mới, hết sức nguy hiểm nhưng việc điều tra, xét xử gặp nhiều khó khăn. Hành vi này cũng chưa được nhìn nhận, phân tích thấu đáo về đạo đức và pháp lý. 

Tiêu biểu là chỉ ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), công an đã phát hiện 25 phụ nữ Khơ Mú mang thai những tháng cuối bị lôi kéo sang Trung Quốc. "Khi tìm hiểu vấn đề này, tôi không khỏi xót xa cho những người mẹ vì hạn chế trong nhận thức và trong hoàn cảnh, bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê. Đau xót hơn, khi bào thai hay trẻ sơ sinh được coi là món hàng để mua và bán", bà Hà nói. 

Đại biểu Hứa Thị Hà. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Đại biểu Hứa Thị Hà. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội 

Bà cũng nhấn mạnh, việc mua bán thai nhi không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống người Việt Nam mà còn huỷ hoại tình mẫu tử thiêng liêng, tạo ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó phát hiện bởi người mẹ che giấu. Bộ Luật Hình sự cũng chỉ quy định tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, "những phụ nữ này không mang theo người mà chỉ mang theo bào thai, nên chưa được coi là trẻ em để có chế tài xử lý". 

Bà Hứa Thị Hà đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn và có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi trên. Bà cũng kêu gọi chính quyền cần có chính sách giúp đỡ phụ nữ và người yếu thế trong xã hội, để họ không mặc cảm, dẫn đến phạm pháp. 

Qua các vụ việc đưa người ra nước ngoài trái phép, bắt giữ các vụ vận chuyển ma tuý lớn, đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi: Có phải hiện nay Việt Nam đang trở thành địa bàn của các loại tội phạm xuyên quốc gia?

Bà đề nghị Chính phủ mở rộng hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm để kiểm soát tốt người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ra nước ngoài. "Từ vụ việc đau lòng 39 người chết trong container tại Anh, tôi kiến nghị Chính phủ rà soát, báo cáo toàn diện hơn về thực trạng này", bà Hạnh nói.

Theo Hoàng Thùy - Viết Tuân(VnExpress)

https://vnexpress.net/de-nghi-ra-soat-tong-the-nan-buon-nguoi-o-viet-nam-4007357.html