VCCI: Đề nghị xác định rõ hơn mục tiêu Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025

Trong văn bản góp ý của mình, VCCI khẳng định về cơ bản, việc triển khai tiếp tục chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 là cần thiết. Xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia có chất lượng tốt cùng với việc thực thi chương trình này một cách hiệu quả, minh bạch có thể sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp…, như dự thảo Tờ trình đã xác định.

Việc xây dựng Dự thảo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025 cần được xây dựng trên nền tảng của việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn trước đó, cụ thể là giai đoạn 2011-2020.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 3217/BKHCN-ƯDCN ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý dự thảo Tờ trình Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025.
VCCI vừa có văn bản trả lời Công văn số 3217/BKHCN-ƯDCN ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý dự thảo Tờ trình Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025

VCCI cho rằng dù dự thảo Tờ trình đã nêu một số đánh giá kết quả tại phần I, song đề nghị cần bổ sung tổng kết, đánh giá mang tính toàn diện hơn, gắn sát với việc thực hiện các mục tiêu và nội dung căn bản của Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020 cũng như các văn bản khác có liên quan.

Đồng thời, VCCI cũng cho rằng cần có lý giải kỹ lưỡng hơn cho việc lựa chọn các hoạt động, các ngành, lĩnh vực cụ thể trong phần II Nội dung chương trình của Dự thảo Quyết định.

Bên cạnh đó, VCCI cho rằng mục tiêu của Chương trình cần được xác định rõ hơn trong Dự thảo. Cụ thể, ngoài mục tiêu 2 và 4, thì mục tiêu 1 và 3 chưa được xác định rõ ràng (Ví dụ thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp tham gia Chương trình có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn tốc độ trung bình của quốc gia, nâng cao hấp thụ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp…).

Cần rà soát và xác định lại các giải pháp thực hiện trong Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2025. Dự thảo Tờ trình đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn và bất cập trong việc thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 tại phần I.3 và đã dành phần riêng phân tích về Yêu cầu của thực tiễn và tình hình mới tại Phần II. Tuy nhiên, Phần IV Giải pháp thực hiện của Dự thảo lại hầu như lặp lại nguyên văn Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định 677 nêu trên. Cụ thể:

Nhóm giải pháp (1) Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, ngoài đoạn “bổ sung hệ thống kê khai thuế để cập nhật thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng công nghệ và năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp”, thì toàn bộ các giải pháp trong nhóm này vẫn là như được quy định tại Quyết định 677.

Tương tự, đối với nhóm giải pháp 2, 3 và 4.

Do vậy, VCCI kiến nghị cần phải xác định lại và cụ thể hóa những giải pháp tại Phần IV theo hướng tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập trong thời gian qua, cũng như hướng tới việc đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn và tình hình mới.

Có thể bao gồm việc rà soát và giải quyết những vướng mắc về một số thủ tục đầu tư, về quy trình phân cấp quản lý, cơ chế đặt hàng, xác định rõ tiêu chí, điều kiện lựa chọn, tiêu chí sản phẩm, xây dựng chế độ hậu kiểm trong quản lý, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thâm nhập, mở rộng và làm chủ thị trường trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế với các ngành có lợi thế tiềm năng…

Đồng thời, phần Giải pháp cần xác lập rõ cơ chế công khai, minh bạch trong việc triển khai các hoạt động cụ thể của Chương trình. Chỉ trên cơ sở việc tiến hành minh bạch các hoạt động, thì mới có thể nâng cao hiệu quả, tác động của chương trình, cũng như tăng cường thu hút sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, nhất là đối tượng là doanh nghiệp, theo “triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ” như Dự thảo Tờ trình đã nêu.

Theo Đỗ Huyền(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)
https://enternews.vn/vcci-de-nghi-xac-dinh-ro-hon-muc-tieu-chuong-trinh-doi-moi-cong-nghe-quoc-gia-den-nam-2025-161025.html