Ngày hội hướng nghiệp và chính sách tuyển dụng tại Vĩnh Phúc

Ngày hội quy tụ khoảng 200 học sinh, sinh viên tới từ các trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc,  Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, Trường THPT Nguyễn Thái Học, trường THPT Vĩnh Yên, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc. Đồng thời, sự kiện thu hút được sự quan tâm của 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Công ty TNHH Cosmos, Công ty TNHH VIPC1, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, tập đoàn Prime.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhiều Hiệp định thương mại đa phương, song phương đã được ký kết, triển khai thực hiện và gần đây nhất đó là việc tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu ( EVFTA),…Điều này đòi hỏi công tác giáo dục nghề nghiệp đa dạng hơn để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế cần sự tham gia của toàn xã hội.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “ VCCI đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Tháng 7 vừa qua, VCCI tổ chức ra mắt Ban điều phối cấp tỉnh về hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng. Tôi tin rằng đây là một mô hình chuẩn và có thể nhân rộng trên toàn quốc dưới sự dẫn dắt hiệu quả của Liên đoàn các Doanh nghiệp Na - Uy. Diễn đàn là cầu nối gắn kết doanh nghiệp và các trường nghề, nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế.”

VCCI và NHO có quan hệ hợp tác từ năm 2004, với sự hỗ trợ của NHO, VCCI đã triển khai mô hình dạy nghề kiểu mới trên cơ sở mô hình dạy nghề của Na Uy, theo đó thực hiện liên kết trường với doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, đóng góp xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; cử cán bộ kỹ thuật đến giảng dạy tại trường; tiếp nhận giáo viên và sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.

Bà Tori Tveit – Giám đốc Liên đoàn các Doanh nghiệp Na – Uy

Tại Na – Uy, khi được hỏi các đại diện DN về yếu tố quan trọng nhất, câu trả lời nhận được là giáo dục nghề nghiệp. Bà Tori Tveit – Giám đốc Liên đoàn các Doanh nghiệp Na – Uy cho rằng, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là thách thức lớn với Na Uy và Việt Nam chính vì vậy, để có được kết quả tốt cần sự phối hợp của doanh nghiệp, nhà trường, nhà nước. Với những nỗ lực lớn của VCCI và NHO trong thời gian qua trong giáo dục nghề nghiệp sẽ lan toả được hoạt động kết nối tới nhiều nơi không chỉ tại Vĩnh Phúc.

 Hiện nay chúng ta đã có Luật giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết doanh nghiệp, nhà trường tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Theo đó, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở GDNN để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo như xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề.v.v.

 Ông Phạm Văn Luyến – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá Vĩnh Phúc đang trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động. Ông cho biết: “ Thiếu lao động ở chỗ tại các nhà máy và các công ty luôn có biển tuyển dụng hàng tháng. Nhiều lao động chất lượng cao từ Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái đổ về Vĩnh Phúc làm việc. Thừa lao động ở chỗ nhiều lao động đi làm việc tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh. Trên địa bàn có 39 CSGDNN trong đó 7 trường dạy nghề, 1 trường đào tạo. Mỗi năm có thể đào tạo 35.000 lao động từ trung cấp, sơ cấp. Quy mô năm 2018 là 71.5%. Các trường dạy nghề mong muốn kí đơn đặt hàng vs các DN và cam kết đáp ứng đầy đủ, bao gồm cả trình độ cấp quốc gia, quốc tế, cấp ASEAN.”

 Bà Trần Thị Lan Anh Phó tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động ( thứ 4 từ phải sang)

Vĩnh Phúc là một trong các tỉnh có kết quả tốt trong việc kết nối doanh nghiệp với GDNN. Bà Trần Thị Lan Anh – Phó tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết, VCCI sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng cơ chế, chính sách gắn kết doanh nghiệp với nhà trường; đồng thời hỗ trợ Doanh nghiệp xây dựng mô hình, chương trình giảng dạy giảng viên để thu hút hợp tác từ các trường. Mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc thành công sẽ là nền tảng để nhân rộng mô hình trên toàn quốc trong tương lai.

Hội thảo là diễn đàn để các Cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp/doanh nghiệp/nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan đến định hướng nghề nghiệp và chính sách tuyển dụng, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động có tay nghề, giúp các doanh nghiệp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

Đại diện các Doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu, giải đáp về các ngành nghề hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên

Bàn tư vấn hướng nghiệp của các Doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên

 

 

Sinh viên tại Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đặt câu hỏi cho chuyên gia

Các đại biểu tại Diễn đàn

 Toàn cảnh Diễn đàn

 

Theo Doãn Giang

http://beavccivietnam.com.vn/detail.asp?id=13506