Lá chắn bảo vệ Israel khỏi 'mưa rocket'

Không quân Israel hôm 12/11 tiến hành đòn không kích tiêu diệt Baha Abu al-Ata, chỉ huy cấp cao của phong trào dân quân Hồi giáo tại Dải Gaza. Các tay súng ở Dải Gaza đáp trả bằng cách phóng tổng cộng 200 quả rocket vào miền nam và miền trung Israel, nhưng khoảng 190 quả đã bị hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) đánh chặn.

Vòm Sắt là tổ hợp phòng không tầm ngắn và trung do hãng Rafael của Israel nghiên cứu và hợp tác sản xuất với tập đoàn Raytheon của Mỹ. Hệ thống này từng nhiều lần khai hỏa kể từ khi được biên chế năm 2011 và chứng tỏ hiệu quả khi đánh chặn thành công nhiều loạt pháo phản lực (rocket) và đạn cối do các nhóm vũ trang ở Dải Gaza phóng vào Israel.

 

Quá trình phát triển Iron Dome bắt đầu từ sau cuộc chiến tại Lebanon năm 2006, khi nhóm vũ trang Hezbollah liên tục rót "mưa rocket" vào lãnh thổ Israel. Gần 4.000 quả đạn, chủ yếu là pháo phản lực phóng loạt BM-21, đã rơi xuống Haifa và các khu vực phía bắc Israel, khiến 44 cư dân thiệt mạng và 250.000 người sơ tán chỉ trong chưa đầy một tháng xung đột.

Cũng trong giai đoạn 2000-2008, hơn 8.000 quả đạn cối và rocket đã được phóng từ Dải Gaza vào phía nam Israel. Các nhóm vũ trang Gaza được trang bị pháo phản lực cỡ nòng 122 m với tầm bắn trên 20 km, đe dọa gần một triệu cư dân ở miền nam Israel.

Để đối phó với mối đe dọa này, Bộ Quốc phòng Israel đặt mục tiêu phát triển hệ thống phòng không di động tầm ngắn chuyên đối phó với đạn pháo không điều khiển vào tháng 2/2007. Tổ hợp này khai hỏa thành công lần đầu vào tháng 3/2009, nhưng chưa thực hành đánh chặn mục tiêu.

Các đợt thử nghiệm diễn ra liên tục cho đến giữa năm 2010, khi Iron Dome đủ sức phân loại mục tiêu và chỉ đánh chặn những vật thể có khả năng gây nguy hiểm cho khu vực được nó bảo vệ, đồng thời bỏ qua những quả đạn rơi xuống nơi không có người ở. Israel đang vận hành 10 hệ thống Iron Dome và có thể biên chế thêm 5 tổ hợp trong tương lai.

Một tổ hợp Iron Dome hoàn chỉnh có giá khoảng 50 triệu USD, gồm ba thành phần chính là radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống quản lý tác chiến và điều khiển hỏa lực (BMC) và 3-4 bệ phóng đạn (MFU). Mỗi bệ MFU trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir có tầm bắn 70 km.

Tên lửa Tamir, với đơn giá 40.000 USD/quả, sử dụng đầu dò radar chủ động có độ nhạy cao cùng đường truyền dữ liệu để tăng khả năng phát hiện, đánh chặn các mục tiêu nhỏ như rocket và đạn cối. Cụm thiết bị này dẫn quả đạn tới rất gần mục tiêu, trước khi ngòi nổ laser cận đích kích hoạt đầu nổ mảnh để tiêu diệt mối đe dọa.

Cụm đầu dò và ngòi nổ tên lửa Tamir rơi xuống Dải Gaza hôm 12/11. Ảnh: Twitter/Jtruzmah.

Cụm đầu dò và ngòi nổ tên lửa Tamir rơi xuống Dải Gaza hôm 12/11. Ảnh: Twitter/Jtruzmah.

Quy trình đánh chặn bắt đầu khi radar cảnh giới phát hiện rocket và đạn cối được đối phương phóng lên. Nó sẽ giám sát, tính toán đường bay và điểm rơi dự kiến của mục tiêu. Nếu quả đạn có nguy cơ rơi xuống khu vực bảo vệ, hệ thống sẽ báo động cho kíp vận hành hoặc tự động khai hỏa tên lửa Tamir.

Iron Dome thường phóng hai quả đạn cho mỗi mục tiêu để tăng khả năng đánh chặn. Tên lửa kích nổ ở khu vực trống trải, tránh để mảnh vỡ rơi xuống khu dân cư.

"Iron Dome không chỉ là hệ thống phòng thủ tên lửa. Nó là biểu tượng cho thấy trí tưởng tượng được áp dụng vào hiện thực, cho phép dùng rocket để tiêu diệt một rocket trên không", chuyên gia quân sự Michael Peck nhận xét.

Tuy nhiên, Iron Dome không phải hệ thống bất khả xâm phạm. Quan chức quốc phòng Israel từng thừa nhận nó còn nhiều tử huyệt có thể bị đối phương khai thác, cũng như tỷ lệ báo động giả và phóng đạn nhầm khá cao.

Lá chắn này chỉ hạ được khoảng 240 trong 690 rocket do nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza phóng vào lãnh thổ Israel từ sáng 4/5 đến 6/5. Đây là đợt tấn công bằng pháo phản lực lớn nhất của lực lượng này nhắm vào Tel Aviv, khiến 4 dân thường Israel thiệt mạng.

Hệ thống Iron Dome khaia hỏa đánh chặn rocket của Hamas năm 2012. Ảnh: IDF.

Hệ thống Iron Dome khai hỏa đánh chặn rocket của Hamas năm 2012. Ảnh: IDF.

Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, thừa nhận rocket Hamas phóng vào lãnh thổ Israel trong đợt tấn công này không có gì đặc biệt, nhưng hàng loạt điểm yếu như "không đủ thời gian phản ứng" và thuật toán dự báo điểm rơi khiếm khuyết đã khiến Iron Dome bất lực.

"Mật độ hỏa lực dày đặc và sức công phá cao của những đầu đạn này đã gây thiệt hại lớn về tài sản và nhân mạng của kẻ thù", Abu Obeida, phát ngôn viên Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam của Hamas, viết trên mạng xã hội sau đợt tấn công.

Iron Dome cũng nhiều lần báo động nhầm, gây thiệt hại về tài chính khi phóng hàng loạt quả đạn vào những mục tiêu không có thực. Một tổ hợp Vòm Sắt từng phóng liên tiếp 10 tên lửa Tamir vào đêm 25/3/2018, sau khi có báo động rocket đang bay tới. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy đó chỉ là tiếng súng máy do lực lượng Hamas bắn về phía lãnh thổ Israel.

Điều đó khiến lá chắn này vấp phải sự chỉ trích của không ít chuyên gia quân sự Israel. "Iron Dome đã trở thành viên thuốc ngủ cho dân chúng và giới lãnh đạo quân sự Israel. Kể từ khi nó ra đời, người dân và lãnh đạo Israel chỉ quen với việc đánh chặn rocket", trung tá Yoni Chetboun, cố vấn an ninh tại Hội đồng Netanya, nói hôm 7/5.

Theo Vũ Anh(Vnexpress)

https://vnexpress.net/la-chan-bao-ve-israel-khoi-mua-rocket-4015158.html