Doanh thu sụt giảm vì giảm phí BOT, Tổng công ty 36 xin cơ cấu nợ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án BOT giao thông dẫn đến sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến việc trả nợ ngân hàng. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý.

doanh thu sut giam vi giam phi bot, tong cong ty 36 xin co cau no, ngan hang nha nuoc noi gi? hinh anh 1

Nguy cơ các dự án BOT "vỡ nợ" khiến nợ xấu tăng "khủng".

Tại văn bản số 8020/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng Công ty 36 để thực hiện dự án BOT.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị trong thời gian tới, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông và một số dự án giao thông trọng điểm khác được triển khai như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng…., các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục xem xét, tài trợ vốn cho các dự án BOT theo cơ chế thương mại.

Để giảm thiểu rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi của dự án, Ngân hàng Nhà nước xét thấy cần tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng có văn bản số 5937/TGĐ-NHCT5 đề nghị được giữ nguyên nhóm nợ đối với việc cơ cấu dư nợ cho vay dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 theo hình thức BOT do Tổng công ty 36 là nhà đầu tư dự án.

Dự án này có tổng mức đầu tư là 1.460 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 25%, vốn vay ngân hàng 75% Vietinbank là ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, đã giải ngân cho vay 995 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 855 tỷ đồng (nợ nhóm 1).

Đáng chú ý, dự án này hoàn thành từ 4/2016 thu phí từ 1/6/2016, doanh thu từ năm 2018 chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 79% so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân là do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư 35/TT-BGTVT của Bộ GTVT, nhiều dự án BOT giao thông đã phải điều chỉnh giảm phí, không có lộ trình tăng phí (trong đó có dự án BOT AL19) đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của dự án và không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo lịch trả nợ tại hợp đồng tín dụng đã ký...

Trước nguy cơ giảm sụt doanh thu nghiêm trọng, Tổng công ty 36 đã đề nghị Vietinbank xem xét cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ do việc chuyển nợ xấu ảnh hưởng lớn tới việc tham gia dự thầu, khả năng trúng thầu của Tổng công ty và các tổ chức tín dụng. Từ đó, Vietinbank đề nghị Thủ tướng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay dự án.

Trong văn bản của Ngân hàng nhà nước gửi Thủ tướng có đề xuất trong thời gian qua, nhiều dự án BOT do các tổ chức tín dụng tài trợ vốn có doanh thu không đạt như dự kiến do ảnh hưởng của chính sách thu phí, không được tăng phí theo kế hoạch pải giảm phí theo Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 71/NQQ-CP của Chính phủ do tình trạng phản đối của người dân, mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân này, không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp các dự án BOT mà các tổ chức tín dụng cho các dự án BOT vay cũng đang gặp khó khăn điển hình là dự án BOT QL19 có doanh thu phí không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.

Lo lắng hơn nữa là từ đầu năm 2019 tới nay, tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đã bắt đầu tăng nhanh (đến 30/6/2019 là 2,11%). Trong khi từ năm 2015 – 2018 tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp (dưới 0,1%).

Để giải quyết những nguy cơ với phương án tài chính các dự án BOT, BT, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Tuy nhiên, đến nay chưa có phương án xử lý dứt điểm.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/doanh-thu-sut-giam-vi-giam-phi-bot-tong-cong-ty-36-xin-co-cau-no-ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-77771037420.htm