Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch: Phía Nhật nói gì sau phát ngôn của Hà Nội?

Mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Phương án 1 là thu gom toàn bộ nước thải, tuy nhiên việc này không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. 

Phương án thứ hai của Công ty Việt Nhật, dùng công nghệ Nano-Bioreactor, "vừa rồi thành phố mời đến thí điểm và đơn vị này đã thất bại". Phương án thứ ba là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý.

Công nhân môi trường đặt tấm vật liệu Bioreactor xuống khu vực bùn được quây lại.
Công nhân môi trường đặt tấm vật liệu Bioreactor xuống khu vực bùn được quây lại. 

Trước phát ngôn này của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng, việc Giám đốc Sở Xây dựng "phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND thành phố như thế nên buộc đơn vị phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản cũng như danh dự cá nhân liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch".

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, trong buổi họp đánh giá về kết quả dự án này do Chủ tịch Hà Nội chủ trì ngày 29.10, Giám đốc Sở Xây dựng cũng không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại.

Đặc biệt, trong văn bản thông báo về "Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản", cũng đều không hề có nội dung nào đánh giá về kết quả là thất bại.

Mặt khác, UBND thành phố còn đang giao cho đơn vị tiếp tục triển khai làm mở rộng thêm một ao tù để tiếp tục đánh giá.

Cá Koi được thả xuống khu vực làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản ngày 16.9.
Cá Koi được thả xuống khu vực làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản ngày 16.9. 

Đơn vị này cũng đưa ra những kết quả của dự án như: Chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần... Ngoài ra, cá koi và cá chép Việt Nam thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang hồ Tây.

“Kết quả cho thấy 6/6 mục tiêu đặt ra đã đạt, như vậy là dự án chứng minh công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã thành công như dự kiến”, Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản khẳng định.