Quản lý doanh nghiệp ra sao để tránh tình trạng 've sầu thoát xác'?

dn
Cần phải có các biện pháp kiểm soát tốt hơn đối với việc thành lập DN mới cũng như khi tạm ngừng, đóng cửa DN.
Song, điều này cũng có những mặt trái, như là những bất cập trong công tác quản lý, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, tạo kẽ hở cho các DN làm ăn không chân chính lợi dụng…

Đây là một số ý kiến góp ý tại cuộc hội thảo xin ý kiến về 2 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức tại Hà Nội. 

Thành lập DN dễ, quản lý DN mới khó

Góp ý về Luật DN, luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật Bizlink cho rằng, Luật DN hiện hành dường như chú trọng việc hỗ trợ, khuyến khích thành lập DN, tạo ra số lượng lớn DN, song chưa quan tâm đến chất lượng, quản lý đầu ra. Ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết, hiện có một lượng lớn DN có hiện tượng “ve sầu thoát xác”. Sau khi DN hoạt động một thời gian thì tìm cách chuyển tài sản sang DN khác, DN cũ ngày càng nhỏ đi, thua lỗ, tránh các nghĩa vụ, và cùng lắm là bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Điều này khiến các DN cạnh tranh không bình đẳng, không minh bạch và đặc biệt nguy hiểm là nhiều DN hợp tác với họ sau đó không thu hồi được các khoản nợ, chứng từ… “Công ty luật chúng tôi đã và đang phải hỗ trợ nhiều DN rơi vào tình trạng này. Rất mong Luật DN sửa đổi tới đây có quản lý chặt chẽ hơn về đầu ra của DN. Chẳng hạn như có biện pháp quản lý, công bố công khai về người đại diện pháp luật, chủ sở hữu, người góp vốn… để các DN chân chính có thể kiểm tra trước khi hợp tác” - ông Nguyễn Đức Mạnh đề nghị. 

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế góp ý cho dự thảo luật cũng cho biết, hiện nay việc thành lập DN mới tương đối dễ dãi, thuận lợi, nên có nhiều người là đại diện pháp luật cho hơn một DN. Người đại diện DN này đang nợ thuế nhưng vẫn được thành lập DN mới. Có những trường hợp, khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra thuế thì DN ngay lập tức xin ngừng hoạt động kinh doanh, sau đó, họ lại thành lập DN mới. Điều này gây thiệt hại về thu ngân sách cũng như gây bất bình đẳng với các DN tuân thủ nghiêm túc. Để khắc phục tình trạng này, cần phải có các biện pháp kiểm soát tốt hơn đối với việc thành lập DN mới cũng như khi tạm ngừng, đóng cửa DN. Chẳng hạn, nên chăng quy định khi đã có quyết định kiểm tra thuế thì chưa được tạm ngừng kinh doanh. 

Tương tự, liên quan đến quy định về tổ chức giải thể, phá sản DN, chương 9, điểm 5, điều 192 dự thảo quy định cơ quan ĐKKD cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia tách trong cơ sở dữ liệu về đăng ký DN. Theo quy định về thuế, trước khi chia tách DN, cơ quan thuế sẽ có thanh tra, kiểm tra. Nếu cơ quan ĐKKD cấp giấy chứng nhận mới cho DN trước khi có phản hồi về kết quả thanh tra, kiểm tra từ cơ quan thuế thì có thể có những trường hợp trước khi chia DN vẫn còn nợ thuế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Do đó, theo đề nghị của đại diện cơ quan thuế, trước khi cơ quan ĐKKD cấp giấy chứng nhận mới cho DN cần phải có phản hồi từ cơ quan thuế.

Ưu đãi đầu tư: Doanh nghiệp nắm đằng chuôi? 

Đối với Luật Đầu tư, một vấn đề quan trọng được góp ý là về chính sách ưu đãi đầu tư. Theo bà Phan Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình, cần xét đến yếu tố thời gian thực hiện dự án là bao nhiêu mới được áp dụng ưu đãi, bởi thực tế khi nói đến ưu đãi thì chủ yếu là ưu đãi tiền thuê đất hoặc thuế thu nhập DN. Đã có tình huống nhà đầu tư vào, địa phương ứng tiền giải phóng mặt bằng, sau đó nhà đầu tư lấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một thời gian sau chấm dứt dự án, bán tài sản trên đất mà không phải nộp đồng nào vì vẫn trong thời gian ưu đãi. Tỉnh thì phải trả khoản tiền đã ứng để giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư mới thực hiện dự án khác thì lại tiếp tục được ưu đãi, vì dự án cũ đã chấm dứt.

Tương tự, có nhiều dự án khác lợi dụng chính sách ưu đãi, chỉ thực hiện trong thời gian được ưu đãi tiền đất, ưu đãi thuế, hết ưu đãi thì chấm dứt dự án khiến ngân sách không thu được gì từ những dự án này. 

Tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, có quy định ưu đãi đầu tư thực hiện theo kết quả dự án, song bà Hằng cho rằng việc lượng tính theo kết quả sẽ rất phức tạp, chưa chắc dễ triển khai. Còn yếu tố thời gian thì đơn giản, dễ hình dung. Chẳng hạn quy định mức ưu đãi tỷ lệ theo thời gian thực hiện dự án, có thể nếu dự án thực hiện 20 năm thì được hưởng ưu đãi 10 năm...
Theo H.Y(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-12-02/quan-ly-doanh-nghiep-ra-sao-de-tranh-tinh-trang-ve-sau-thoat-xac-79729.aspx