Tự nhận là "Vinamilk ngành thịt", CEO Masan MeatLife coi mình là "đơn vị tiên phong"

tu nhan la "vinamilk nganh thit", ceo masan meatlife coi minh la "don vi tien phong" hinh anh 1

Ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám đốc Masan MeatLife. (Ảnh minh hoạ).

Chiều 2/12, Công ty CP Masan MeatLife (Mã cổ phiếu: MML) – một công ty thành viên của Tập đoàn Masan đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu MML trước khi cổ phiếu này dự kiến sẽ được giao dịch trên sàn UpCom vào ngày 9/12/2019.

Với giới đầu tư, Masan MeatLife không phải thương hiệu xa lạ khi doanh nghiệp này có tên ban đầu ở thời điểm mới thành lập cách đây 4 năm là Masan Nutri-Science. Sau khi được đổi tên Masan MeatLife, doanh nghiệp cũng tiến hành quá trình chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.

 

Cùng với đó, cái tên Masan MeatLife và thương hiệu thịt MEATDeli cũng mang theo tham vọng thay đổi cán cân thị phần trên thị trường thịt heo Việt Nam có quy mô hơn 10 tỷ USD, hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp như Vissan, hay C.P Việt Nam của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont.

Tại buổi hội thảo mới kết thúc cách đây ít phút, tham vọng này một lần nữa được tái khẳng định thông những thông tin được Masan MeatLife cung cấp. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn lấy câu chuyện tăng trưởng gần 4 lần sau 20 năm của Vinamilk làm mục tiêu phấn đấu và hi vọng sẽ thay đổi cán cân thị trường thịt heo trong tương lai gần.

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MeatLife, cho biết: “Thị trường thịt heo của chúng ta hiện nay rất giống với thị trường sữa cách đây 20 năm, khi cùng tồn tại những nghịch lý lớn là không có tiêu chuẩn, hầu hết sản phẩm không có thương hiệu, không có người dẫn đầu thay đổi thị trường. Trong vòng 20 năm, thị trường sữa đã tăng trưởng gần 4 lần, một doanh nghiệp nội địa vươn lên chiếm hơn 50% thị phần.

Còn thị trường thịt hiện nay có giá trị hơn 10 tỷ USD, lớn gấp 2,5 lần thị trường sữa, nhưng tới 99% sản phẩm không có thương hiệu. Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất lớn để mở rộng quy mô, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt heo chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần vô cùng tiềm năng".

Trích dẫn thêm số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), ban lãnh đạo Masan MeatLife nhìn nhận, Việt Nam hiện là nước có lượng tiêu thụ thịt heo cao thứ hai thế giới. Thị trường thịt theo vẫn còn tiếp tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng của tiềm năng của sản lượng thịt theo khoảng 20% trong giai đoạn 2019 – 2025. Tuy nhiên, đây cũng là mảng thị trường chưa được chuẩn hoá, còn rời rạc với phần lớn sản phẩm thịt heo trên thị trường chưa có thương hiệu.

Từ những cơ sở nêu trên, bản thân ông Phạm Trung Lâm và các lãnh đạo Masan MeatLife tin rằng, đây là cơ hội bứt phá, mở rộng quy mô. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu thay đổi cán cân thị trường thịt heo trong tương lai gần.

tu nhan la "vinamilk nganh thit", ceo masan meatlife coi minh la "don vi tien phong" hinh anh 3

Ông Phạm Trung Lâm trình bày về định hướng phát triển của Masan MeatLife. 

Để củng cố thêm cho luận điểm của mình, ông Phạm Trung Lâm cho biết, với kế hoạch hoàn thiện chuỗi 3F (Feed – Farm – Food), Masan đã đầu tư hàng tỷ đồng cho trang trại nuôi heo tại Nghệ An với công suất 280.000-300.000 con/năm và nhà máy chế biến thịt tại Hà Nam với công suất chế biến 1,4 triệu con/năm. Tới quý IV/2020, Masan MeatLife sẽ đưa vào vận hành nhà máy chế biến tại Long An với công nghệ châu Âu y hệt nhà máy tại Hà Nam.

Cùng với đó là chuỗi “khép kín lạnh” đã được hoàn thiện. Lợn từ trang trại chăn nuôi, đưa về nhà máy chế biến theo công nghệ từ 0-4 độ C, bảo quản lạnh trong quá trình vận chuyển và tại nơi bày bán, để đảm bảo chất lượng thịt có thể giữa lâu 10-11 ngày mà không đổi chất lượng.

Về chuỗi điểm bán hàng, sau 11 tháng ra mắt, MEATDeli đã phát triển với hơn 410 điểm bán hàng ở Hà Nội và TP.HCM và có thể cán mốc 550 điểm bán hàng trong năm 2019.

Với con số tăng trưởng gấp 10 lần số lượng điểm bán, doanh thu của Masan MeatLife dự kiến đạt 500 – 1.000 tỷ đồng trong năm đầu tiên ra mắt thị trường, cùng kỳ vọng tới năm 2022, các sản phẩm thị có thương hiệu sẽ đóng góp 50% - 70% doanh thu của doanh nghiệp.

Chia sẻ cề các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thịt heo như C.P Việt Nam và Vissan, ông Phạm Trung Lâm cho biết, hiện chỉ có Masan MeatLife làm trong ngành thịt mát, bản thân doanh nghiệp chưa thấy chưa thấy “bóng dáng của người thứ hai”.

“Nếu bây giờ có đơn vị nào đầu tư vào ngành này thì cũng cần 2 năm mới có sản phẩm, đây cũng là một lợi thế để Masan MeatLife đi trước và chiếm lĩnh thị trường”, ông Lâm khẳng định.

Khi được nhà đầu tư đặt câu hỏi vê phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm MEATDeli, đại diện Masan MeatLife cho biết, sức tiêu thụ sản phẩm đạt 70 tỷ đồng trong tháng 11/2019. Đồng thời, dự kiến vượt mức 100 tỷ đồng lần đầu tiên trong tháng 12/2019.

Theo khảo sát của Masan MeatLife, người tiêu dùng đánh giá độ ngon của thịt MEATDeli đạt 4,4 điểm (trên 5) cao hơn nhiều so với thịt chọn lựa ngoài chợ và được cho là ngon, 3,3 điểm.

Nghiên cứu biến động về giá cũng cho thấy, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chấp nhận thịt của Masan MEATLife ở mức giá cao hơn từ 25 - 30% so với giá trung bình trên thị trường.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/tu-nhan-la-vinamilk-nganh-thit-ceo-masan-meatlife-coi-minh-la-don-vi-tien-phong-77771037570.htm