Dịch cúm bùng phát, trẻ ùn ùn nhập viện

Bệnh nhi ùn ùn nhập viện

 Bác sĩ Ðỗ Thiện Hải - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, hơn chục ngày gần đây, bệnh viện đã gia tăng bệnh nhi bị cúm. Mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 15-20 ca, tăng 10-20% so với thời gian trước. Chỉ tính riêng buổi tối cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám mỗi ngày, chủ yếu cũng là bệnh cúm.

dich cum bung phat, tre un un nhap vien hinh anh 1

Các đối tượng dễ bị cúm và biến chứng nặng như trẻ em, người già nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm.
(Ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

PGS-TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời điểm này, số lượng bệnh nhi mắc cúm A đang gia tăng. Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau.

Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trong vài tuần gần đây, thời tiết giao mùa, nóng lạnh đột ngột cũng làm gia tăng bệnh nhi nhập viện với khoảng 100-200 ca đến khám mỗi ngày, tăng 15-20% so với trước. Các bệnh phổ biến mà trẻ gặp phải là cúm, viêm đường hô hấp… Đa số các bệnh nhi mắc bệnh cúm nhẹ, không có biến chứng nên chỉ cần khám, kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị tại nhà. Các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhi bị cúm nhẹ, khi được bác sĩ kê đơn thì không nên nhập viện, tránh được nguy cơ nhiễm chéo hoặc bội nhiễm các bệnh khác.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) trong khoảng thời gian này, số lượng bệnh nhân vào khám và nhập viện tăng cao giữa tiết trời giao mùa và ô nhiễm không khí vượt ngưỡng. Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa (khoa Nhi) cũng cho biết, ngày cao điểm khoa khám đến 200 bệnh nhi, trong đó nhiều ca phải điều trị nội trú. Đa phần bệnh nhi bị mắc các bệnh đường hô hấp, cúm.

Theo PGS Điển, bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, chỉ cần người bị cúm ho, hắt hơi, người khác lây dính dịch mũi họng là có thể bị cúm. Bệnh cúm là bệnh thông thường, có thể tự khỏi sau 2-7 ngày mắc. Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mãn tính có hệ miễn dịch kém có thể gặp các biến chứng từ cúm như viêm phổi, suy hô hấp và có thể tử vong.

Đã có không ít các ca tử vong do cúm. Gần nhất, ngày 9/12, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã xác nhận, một bệnh nhi 27 tháng tuổi (trú tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đã tử vong do cúm A. Người nhà cho biết, từ cuối tháng 11, cháu bé bị sốt, ho, bố mẹ tự mua thuốc về cho con uống. Khi bệnh không đỡ, chuyển đến bệnh viện thì được chẩn đoán viêm phổi nặng. Dù đã được cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm của cháu bé dương tính với cúm A/H1N1.

Nên tiêm vaccine phòng cúm

Dịch cúm theo mùa là một bệnh nhiễm virus có xu hướng bắt đầu lan rộng vào mùa thu và đạt đến đỉnh điểm trong những tháng đông. Cúm mùa có thể tiếp tục xuất hiện vào mùa xuân - thậm chí vào tháng 5 - và thường tạm lắng trong những tháng hè. Theo ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, cúm mùa là bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, có thể xảy ra ở nhiều mức độ như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 - 30% trẻ em và 5 - 10% người lớn mắc bệnh cúm; trung bình các vụ dịch cúm gây bệnh cho khoảng 500 - 800 triệu người/năm, trong đó khoảng 5 triệu trường hợp bị bệnh cúm nặng và 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm.

Theo các chuyên gia y tế, cúm A/H1N1, cúm B, cúm A/H3N2 đều là các loại cúm thông thường và ít khi đe dọa đến tính mạng. Hầu hết các bệnh nhân bị cúm chỉ cần uống thuốc giảm sút và tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp biến chứng từ cúm gây tử vong, đặc biệt là ở những bệnh nhân có bệnh mãn tính, người già, trẻ em, thai phụ.

Biến chứng nguy hiểm thường gặp ở cúm là viêm phổi hoặc làm nặng thêm các vấn đề mãn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim. Cúm cũng có thể gây viêm não, tim hoặc cơ bắp của bệnh nhân, dẫn đến nhiễm trùng huyết và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng (chuyên gia nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ em dễ mắc cúm, mắc bệnh đường hô hấp hơn vì sức đề kháng kém. Các biểu hiện ban đầu thường là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, chán ăn, mệt mỏi. Sau đó là các biểu hiện ngạt mũi, ho, chảy nước mũi. Đối với trẻ nhỏ còn có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, sưng hạch, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy, nôn…

Theo PGS Dũng, biện pháp tốt nhất để tránh cúm hiện nay là tiêm phòng vắc xin phòng cúm hàng năm. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng vắc xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già, giảm 85% nguy cơ bị hội chứng cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.

Khi thời tiết thay đổi thì phải đảm bảo cho con giữ ấm nhưng cũng không quá nóng, cho trẻ uống đủ nước, đủ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. Khi đến môi trường đông người thì nên đeo khẩu trang. Trẻ bị sốt, ho thì bố mẹ nên cách ly để tránh lây lan sang người khác, nhất là trẻ em và người già trong nhà. Hiện nay, môi trường không khí ô nhiễm nặng, bố mẹ nên hạn chế cho con đi lại trên đường, chơi bên ngoài vào những lúc khói bụi nhiều”.

 PGS Nguyễn Tiến Dũng

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/dich-cum-bung-phat-tre-un-un-nhap-vien-77771043572.htm