Người nghèo tại Lâm Đồng: Vẫn xa vời giấc mơ nhà ở

Lỗi do... thiếu đất

Chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ tại phường 8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng như bao công nhân viên chức khác, đời sống chỉ dừng lại ở mức đủ ăn nên việc mua nhà ở vẫn chỉ là trong mơ. Khi nhắc đến những dự án nhà ở xã hội, nhiều người như chị Huyền thậm chí còn chưa hề nghe nói đến.

Theo thống kê, hiện nay, Lâm Đồng có trên 75.000 người lao động, trong đó, trên 2.000 hộ có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu phải tạo ra hơn 2.800 căn hộ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay chỉ đáp ứng 11% nhu cầu.

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng - cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội ở Lâm Đồng khó triển khai là các địa phương trong tỉnh chưa quan tâm đến việc dành quỹ đất xây dựng. Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng cao. Nếu nhà nước không hỗ trợ chi phí này, giá căn hộ sẽ tăng cao, vượt ngoài khả năng của người lao động. Hiện nay, sở đã làm việc với TP.Đà Lạt và đề xuất 3 vị trí xây dựng nhà ở nhưng vẫn chưa biết khi nào có chủ trương thống nhất thu hút đầu tư. Nếu được triển khai, 40% nhu cầu nhà ở xã hội của Lâm Đồng sẽ được đáp ứng.

Bên cạnh đó, còn nhiều những bất cập, thách thức đặt ra ngay chính về các tiêu chí của đối tượng thụ hưởng và nhà đầu tư. Ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng - cho hay, rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào nhà ở xã hội vì bị khống chế lợi nhuận, chỉ có doanh nghiệp đa ngành mới đầu tư nổi. Tiêu chí xét đối tượng mua nhà ở xã hội cũng khắt khe như người lao động phải có thời gian công tác lâu dài, đạt danh hiệu thi đua thì những công nhân lao động mới làm việc không thể đáp ứng được.

Ông Được cho biết thêm, Công đoàn đã có nhiều nỗ lực như huy động nguồn quỹ người nghèo, quỹ Công đoàn để hỗ trợ nhà ở cho người lao động và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị nhưng chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu.

Người nghèo cạn hy vọng vào nhà ở xã hội

Theo khảo sát, trong 3 năm gần đây, nhu cầu nhà ở của công nhân, viên chức đã giảm mạnh. Theo đó, năm 2016, có 5.954 cán bộ, viên chức, người lao động có nhu cầu đăng ký nhà ở. Năm 2017 có 5.720 cán bộ, nhưng đến năm 2018, nhu cầu về nhà ở chỉ còn 1.807. Song thực tế con số này còn cao hơn nhiều do một phần chưa tiếp cận được thông tin, số khác đã đăng ký nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng nên đành bỏ cuộc.

Hàng nghìn hộ công chức, người lao động vẫn phải sống tạm trong những ngôi nhà trọ ẩm thấp, những khu nhà xây chui, cơi nới tạm bợ trên những khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp... Đến bao giờ, nhà ở xã hội không còn là giấc mơ xa vời đối với công nhân viên chức, người lao động?! Điều này cần có sự hoạch định chính sách sát thực tiễn về cả vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cũng như quy hoạch diện tích đất ở, hình thành các khu dân cư đáp ứng nhu cầu của người lao động thu nhập thấp.