Báo Cáo Tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0036/PTM – KHTH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 8 tháng 01 năm 2020

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

BÁO CÁO

Tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị

của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 9218/VPCP-ĐMDN ngày 9/10/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 của các cơ quan quản lý nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, VCCI xin được báo cáo như sau:

  1. KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP
  2. Tình hình tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

          Từ ngày 1/10/2016 đến 31/12/2019 đã có 3.287 kiến nghị của doanh nghiệp được tiếp nhận qua các kênh thông tin (Văn phòng Chính phủ, VCCI, hiệp hội doanh nghiệp) và chuyển đến các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trả lời doanh nghiệp, trong đó có 2.582 kiến nghị đã được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ 78,5%) và 705 kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ 21,5%) (chi tiết tại bảng 1).

Bảng 1: Tổng hợp kiến nghị doanh nghiệp 2016- 2019 

          Từ kết quả tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy:

          - Số lượng kiến nghị doanh nghiệp có xu hướng giảm theo thời gian. Số lượng kiến nghị năm 2018 bằng 61% và năm 2019 bằng 81% so với năm 2017. Điều này cho thấy việc giải quyết kiến nghị đã có hiệu quả hơn và khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có xu hướng giảm dần.

          - Tỷ lệ giải quyết kiến nghị đạt gần 80% là mức độ khá cao. Tuy nhiên vẫn còn trên 20% kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời, giải quyết đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần tích cực hơn, đồng thời làm rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến tồn tại này.

- Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành (www.doanhnghiep.chinhphu.vn) là kênh thông tin chủ yếu tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp, chiếm 86% số lượng các kiến nghị được tổng hợp qua các kênh thông tin để chuyển các bộ ngành, địa phương giải quyết[1].

- Các bộ ngành nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.[2] Trong đó, riêng hai Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chiếm gần  50% tổng số kiến nghị hàng năm.

  1. Đánh giá về việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

2.1. Những điểm tích cực

- Với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ thông qua các Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp Doanh nghiệp năm 2016, 2017 và 2019 với việc ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 6 tháng 6 năm 2017 về “tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2018 về “một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng”, Kết luận của Thủ tướng tại các Hội nghị chuyên đề trong các lĩnh vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như logistic, đầu tư, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tích tụ và tập trung đất đai, phát triển công nghiệp hỗ trợ.v.v… việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của các bộ ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có giao nhiệm vụ cho VCCI “Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý, giải quyết; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hàng quý báo cáo Chính phủ” thì việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào “thiện chí” các bộ ngành, địa phương. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc trả lời hay giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp là khá khó khăn, rất ít trường hợp doanh nghiệp được các bộ ngành, địa phương trả lời kiến nghị bằng văn bản. Sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu năm 2016 (lần 1), tỷ lệ trả lời  kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ ngành đã đạt 45%. Sau khi đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (cuối năm 2016) tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương đã đạt 76,1% và sau 4 năm (2016-2019) tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành đã đạt gần 80%. Việc đăng công khai nội dung kiến nghị và các cơ quan bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao tỷ lệ trả lời và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực của các cơ quan Chính phủ theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo”.

- Các bộ ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ và VCCI chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tiêu biểu là các bộ ngành: Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (năm 2017); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2018); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao (năm 2019).

- Cách thức tổ chức tiếp nhận, chuyển giao kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phiếu chuyển kiến nghị của Văn phòng Chính phủ và việc theo dõi sát sao việc giải quyết kiến nghị của VCCI với các bộ ngành, địa phương đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần quan trọng tăng số lượng kiến nghị từ doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp và tạo “áp lực” hành chính để các bộ ngành, địa phương phải nghiêm túc nghiên cứu, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

- Hoạt động hiệu quả, sâu sát của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành, địa phương, nhất là đối với các lĩnh vực “nóng” về thủ tục hành chính đã tạo chuyển biến tích cực của các bộ ngành, địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, phương thức và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2. Những điểm hạn chế, tồn tại

- Một số bộ ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị doanh nghiệp chưa kịp thời và đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ. Tiêu biểu là các bộ ngành: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Công an (năm 2018); Bộ Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Công an (năm 2019). Mặc dù là hai bộ nhận được nhiều kiến nghị và đã trả lời, giải quyết cơ bản các kiến nghị của doanh nghiệp, tuy nhiên số lượng kiến nghị chưa trả lời và trả lời chưa thỏa đáng của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vẫn còn khá nhiều. Nguyên nhân chính do nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài và liên quan đến những nội dung bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được xem xét, sửa đổi.

- Một số kiến nghị tuy được các bộ, ngành trả lời nhưng việc trả lời thiên về giải thích pháp luật và không nêu hướng giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp. Chẳng hạn trong năm 2018 Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trả lời các doanh nghiệp xuất khẩu vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An về vướng mắc trong thực hiện thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 tại công văn số 2972/TCT-CS ngày 6/7/2017, tuy nhiên nội dung câu trả lời chỉ giải thích pháp luật mà không trả lời thẳng vào kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về việc sau 10 tháng kể từ khi Thông tư có hiệu lực các doanh nghiệp mới tiếp cận được thông tin về chủ trương chính sách. Trong thời gian này doanh nghiệp vẫn áp dụng luật thuế GTGT, thông tư 26-2015/TT-BTC ngày 27/5/2015 để thực hiện. Đến khi làm thủ tục tại Cục thuế tỉnh Nghệ An để hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp thì Cục thuế trả lời phải thực hiện theo thông tư 130/2016 dẫn đến việc hoàn thuế rất chậm, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại; Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần trả lời kiến nghị của Công ty Việt – Séc về việc đăng kiểm cano (mã hiệu sản xuất H30 và H38 của Công ty CP công nghệ Việt Séc) có sức chở trên 12 người nhưng vẫn lúng túng chưa có cách giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp để khuyến khích việc áp dụng công nghệ, vật liệu mới trong sản xuất cano….

- Nhìn chung, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trả lời kiến nghị chậm hơn so với các bộ ngành và so với thời hạn theo phiếu chuyển. Nguyên nhân chủ yếu do kiến nghị của doanh nghiệp bị chuyển qua nhiều cấp. Quy trình thường là UBND cấp tỉnh giao lại cho một hoặc nhiều Sở, ngành giải quyết sau đó báo cáo lại UBND trả lời doanh nghiệp… Mặt khác, các vụ việc doanh nghiệp kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh thường phức tạp, khiếu kiện kéo dài. Theo thống kê, UBND TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là hai địa phương có lượng kiến nghị chưa giải quyết lớn nhất so với các địa phương khác.

- Tỷ  lệ các doanh nghiệp chưa hài lòng vẫn còn cao đối với việc trả lời, giải quyết kiến nghị của các bộ ngành, địa phương.

Trong năm 2019, VCCI tiến hành 2 cuộc khảo sát nhanh đối với gần 1000 doanh nghiệp có kiến nghị gửi các bộ ngành, địa phương trong năm 2018 và 2019. Kết quả khảo sát cho thấy:

 Về trả lời kiến nghị của các bộ ngành có 37,9% doanh nghiệp trả lời hài lòng, 17,7% doanh nghiệp trả lời rất hài lòng, 40,7% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng và 3,7% doanh nghiệp không đánh giá.

Về việc giải quyết kiến nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có: 27,7% doanh nghiệp trả lời hài lòng, 9,6% doanh nghiệp trả lời rất hài lòng, 31,6% doanh nghiệp trả lời chưa hài lòng và 31,1 doanh nghiệp không đánh giá.

+ Về lý do chưa hài lòng với việc trả lời, giải quyết kiến nghị: có đến 41,4% doanh nghiệp đánh giá nội dung trả lời còn chung chung, nặng về giải thích mà không giải quyết vấn đề doanh nghiệp kiến nghị; 14,7% doanh nghiệp cho rằng cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật mới giải quyết được, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm; 11% doanh nghiệp phản ánh cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết. Ngoài ra còn có 8,9% doanh nghiệp phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị: trên 30% doanh nghiệp nêu các lý do khác...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: Các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp đánh giá chưa hài lòng đối với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương có xu hướng tăng lên. Đồng thời, lý do doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp đánh giá câu trả lời quá chung chung, giải thích mà không giải quyết tăng mạnh (48,5% của 6 tháng cuối năm 2019 so với 34,29% của 6 tháng đầu năm 2019). Tỷ lệ các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị cũng tăng nhiều (12,1% của 6 tháng cuối năm 2019 so với 5,71% của 6 tháng đầu năm 2019). Thực trạng này cho thấy công tác giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục nâng cao về chất lượng để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra.

  1. Một số nội dung cơ bản trong các kiến nghị của doanh nghiệp

Các nội dung kiến nghị chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số vấn đề sau đây:

3.1. Về cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp:

Kiến nghị của doanh nghiệp phần lớn tập trung vào việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; Tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên; Yêu cầu các cơ quan Nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp.

Nội dung nổi bật là các kiến nghị đối với công tác kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành. Trong khi thủ tục hành chính của ngành Hải quan đã được cải thiện đáng ghi nhận thì công tác kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành lại chậm được cải thiện, nhiều kiểm tra chuyên ngành không cần thiết hoặc quá kéo dài gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Hơn nữa, pháp luật về quản lý chuyên ngành của Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật đơn nhất mà là tập hợp các quy định có liên quan tới quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành khác nhau. Mặc dù từ năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành đẩy mạnh việc cắt giảm, loại bỏ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng trong những năm qua, doanh nghiệp vẫn có  nhiều kiến nghị đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, loại bỏ các thủ tục kiểm tra không cần thiết và đề nghị cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đối với các bộ ngành. Ví dụ: Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) và doanh nghiệp trong lĩnh vực này kiến nghị về những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ như: quyền khiếu nại của doanh nghiệp đối với kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa; việc đề nghị kiểm nghiệm lại chất lượng hàng hóa tại cơ sở sở kiểm nghiệm được chỉ định đối với trường hợp kết quả kiểm nghiệm hàng hóa lần đầu không đạt chất lượng…. Cho đến nay, Bộ KHCN tuy có văn bản giải thích về các quy định của Thông tư số 12 nhưng việc sửa đổi nội dung các quy định này vẫn chưa được tiến hành.

3.2. Về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo:

 Nội dung các kiến nghị tập trung vào việc phát huy hiệu quả của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...; Cần tiếp tục tiến hành thường xuyên hoạt động rà soát, đánh giá các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để xác định chính xác các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với mục tiêu quy định tại Luật đầu tư, vừa đảm bảo sự quản lý của Nhà nước vừa hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Một vấn đề nổi bật được các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp ngành vận tải kiến nghị nhiều trong 3 năm qua là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mặc dù, dự thảo Nghị định đã được Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần trình Chính phủ nhưng vẫn chưa được ban hành và tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp (các Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ  Chí Minh) và doanh nghiệp vận tải.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc thiếu hợp lý khi áp dụng Thông tư 43/2012/TT-BYT ngày 24/11/2018 hướng dẫn Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành để hướng dẫn Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15 được ban hành để thay thế cho Nghị định 38). Việc áp dụng này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm là thực phẩm. Nếu việc ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 được coi là điểm sáng của Bộ Y tế trong công tác cải cách thủ tục hành chínhh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì việc các cơ quan chức năng vẫn áp dụng Thông tư 43/2012/TT-BYT ngày 24/11/2012 hướng dẫn Nghị định 38/2012/NĐ-CP lại là điển hình cho việc gây cản trở và làm cho hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp gặp ách tắc trong lưu thông hàng hóa.

Cũng kiến nghị với Bộ Y tế, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCharm Việt Nam) phản ánh về việc ngày 19/4/2019, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế ban hành văn bản số 1234/TB-ATTP hướng dẫn bổ sung Giấy chứng nhận GMP trong sản xuất, kinh doanh và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, và đến tháng 5/2019 công bố dự thảo Thông tư Hướng dẫn GMP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe với hạn góp ý là 17/7/2019. Cả 2 văn bản này có rất nhiều bất cập về mặt thực tiễn cũng như về pháp lý, có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam. Sau khi tiếp nhận kiến nghị, Bộ Y tế đã tổ chức buổi hội thảo xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư có sự tham dự của đại diện AmCharm. Sự hợp tác này của Bộ Y tế được AmCharm đánh giá rất cao.

3.3. Về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp:

 Các kiến nghị liên quan tới việc đề nghị thực hiện nghiêm túc việc tham vấn các đối tượng chịu tác động và tham vấn chuyên gia trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách; Tăng cường chất lượng và sự tham gia của cán bộ pháp chế các bộ ngành trong xây dựng pháp luật; Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, năm 2019, VCCI đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo rà soát 20 chồng chéo lớn trong các Luật, văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực có tác động rất lớn tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh như: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản… (tại công văn số 1739/PTM-PC ngày 01/8/2019). Ý kiến tổng hợp và phân tích này được rút ra từ hơn 200 vấn đề phản ánh từ thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật để chỉ ra các mâu thuẫn chồng chéo của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Tài nguyên nước… và rất nhiều Nghị định và văn bản hướng dẫn.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2019 có nhiều góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia với dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Các nội dung góp ý bao gồm: danh mục mới với số ít ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; cải tổ doanh nghiệp nhà nước; thiết chế pháp lý đối với hộ kinh doanh cá thể; đại hội đồng cổ đông; cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát trong doanh nghiệp…

3.4. Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp:

 Tập trung vào việc đảm bảo  mặt bằng lãi suất phù hợp; Giảm bớt các mức đóng góp của Người sử dụng lao động; Giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, một số loại phí, lệ phí khác.

 Nổi cộm là đề nghị giảm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng theo Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và đề nghị giảm phí tại một số dự án BOT giao thông trên toàn quốc. Ngoài ra, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (20% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới) mà nguyên nhân chủ yếu là: thủ tục thông quan (hải quan và kiểm tra chuyên ngành) phức tạp; các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu…

3.5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

Các kiến nghị đề cập đến các vấn đề về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án; làm thủ tục phá sản doanh nghiệp; Thi hành án dân sự; Có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền SHTT; Bảo vệ doanh nghiệp trong quan hệ lao động; Thanh tra, kiểm tra không đúng quy định.

Nhiều doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có chiến lược tổng thể về việc cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh. Chiến lược này nên tập trung vào việc rút ngắn thời gian xét xử các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp và thời gian giải quyết phá sản đoanh nghiệp. Về thi hành án dân sự các kiến nghị cũng mong muốn nhà nước cần đưa ra các mục tiêu và giải pháp để rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả khi thi hành án..

Theo khảo sát của VCCI, xét trên phạm vi cả nước, số lần thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trong năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Đây là mức giảm tương đối mạnh, chứng tỏ trên bình diện chung thì các cơ quan nhà nước đã chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Nghị quyết 35. Tuy nhiên, vẫn có 18,9% doanh nghiệp cho biết họ bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên. Nếu tính tổng số lần thanh kiểm tra trên tổng số doanh nghiệp thì có khoảng nửa triệu cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp là từ lần thứ hai trở lên. Ví dụ: Công ty TNHH MTV Huỳnh Trần phản ánh bị Chi cục Hải quan CK CSG KV4 (ICD1) kiểm tra sau thông quan từ 15/3/2019 đến 29/4/2019 nhưng đến ngày 13/5/2019 lại nhận tiếp 1 thông báo nữa số 659/STQ-ĐSTQ (25/04/2019) về việc kiểm tra sau thông quan từ 04/2014 đến 2019…

  1. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Từ góc độ cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp tình hình giải quyết kiến nghị của các cơ quan nhà nước cũng như tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết kiến nghị như sau:

  1. Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ban hành Nghị quyết mới trên tinh thần kết quả thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cho giai đoạn 2020- 2025 và định hướng của Chính phủ hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp giai đoạn tới đây.
  2. Về công tác giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

- Bên cạnh việc tăng cường giám sát việc thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18/2/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân cũng như  cũng như các quy định của nhà nước về giải quyến kiến nghị, khiếu nại của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần quy định thêm về trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan Chính phủ trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

- Ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng công tác trả lời phản ánh, kiến nghị doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương. Hàng năm, Văn phòng Chính phủ với tư cách là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác giải quyết kiến nghị của người dân và doanh nghiệp chủ trì hoặc giao nhiệm vụ cho VCCI đánh giá và công bố xếp hạng các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận và trả lời, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời có các hình thức khen thưởng, kỷ luật tương ứng.

- Tiếp tục giao nhiệm vụ cho VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, theo dõi việc trả lời, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

+ Hiện nay, Chính phủ mới khai trương cổng Dịch vụ công quốc gia trong đó có tích hợp luôn cả Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, giao diện mới trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tương đối khó sử dụng so với giao diện website: https://doanhnghiep.chinhphu.vn trước đây. Việc tra cứu các kiến nghị theo bộ, ngành, địa phương không thực hiện được như trước giây. Việc doanh nghiệp theo dõi tiến độ giải quyết kiến nghị đã gửi cũng gặp khó khăn hơn. Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gửi và tra cứu kiến nghị.

+ Công cụ tìm kiếm kiến nghị trên cả website trước và hiện tại đều khá bất cập. Việc tra cứu kiến nghị theo số công văn không thực hiện được. Việc tra kiến nghị theo từ khóa  tên doanh nghiệp hoặc tên người gửi kiến nghị cho kết quả nhiều khi không chính xác. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, đơn giản cách thức tìm kiếm kiến nghị.

+ Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị cần liên thông với các bộ ngành nhằm mục đích đảm bảo khỉ Văn phòng Chính phủ đăng kiến nghị lên hệ thống thì các bộ, ngành, địa phương cũng nhận được trên Hệ thống của mình và lo trách nhiệm trả lời/ giải quyết kiến nghị. Không cần thiết Văn phòng Chính phủ phải sao gửi cả hồ sơ kiến nghị lẫn công văn giao việc, đôn đốc. Việc này cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Trên đây là tổng hợp báo cáo tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 của các cơ quan quản lý nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trân trọng báo cáo./. 

 

Nơi nhận:

- Như kính gửi;

- Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ;

- BTT (để biết)

- Lưu VT, VP

BÁO CÁO Tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 (Tải về)

PHỤ LỤC

Nội dung một số kiến nghị cụ thể điển hình của doanh nghiệp

 

  1. Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

- Đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể và giải thích rõ ràng hơn việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực như: đấu thầu (đa số các kiến nghị hàng tháng gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đều đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu cho thấy pháp luật về đấu thầu chưa thật sự dễ dàng, thuận lợi cho  các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng trên thực tế); giao thông vận tải (nổi bật là việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho các doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ hoặc kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài và vấn đề quản lý taxi công nghệ); công bố hợp chuẩn, hợp quy; lao động (cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp; ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi …); bảo hiểm xã hội (chế độ thai sản, thôi việc; quỹ phúc lợi – khen thưởng trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa giải quyết việc thanh toán trùng chế độ bảo hiểm; xác định thời điểm lao động nữ mang thai để hưởng chế độ; giải quyết chế độ tai nạn lao động liên quan đến thể thao …); chính sách thuế; chính sách ưu đãi đầu tư; giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa…

- Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan như: phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; cho phép cấp hóa đơn bán lẻ; hoàn thuế giá trị gia tăng; hình thức chịu thuế khi chuyển lợi tức từ nước ngoài về; xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với việc nhận tiền tài trợ; kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập đầu tiên; kiểm tra thực tế hàng hóa của hải quan…

- Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch kiến nghị cần cải thiện chính sách miễn thị thực cùng với thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu và không thay thế chính sách miễn thị thực với các hình thức khác.

+ Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị về vấn đề đầu tư, quản lý, vận hành chung cư như: lựa chọn chủ đầu tư cho dự án xây dựng nhà ở thương mại; bảo hành chung cư; hoạt động của ban quản trị tòa nhà chung cư; phòng cháy chữa cháy đối với chung cư; thiết kế phần sở hữu chung, sở hữu riêng của chung cư cũng như trình tự, thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với các phần diện tích này …

- Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh một số vụ việc chậm giải quyết, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như:

+ Công ty TNHH Dòng Sông Mới phản ánh Cục Hải quan Hải Phòng chậm trả kết quả phân tích phân loại; công ty TNHH VNIS Việt Nam phản ánh Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh gây phiền hà cho công ty khi thực hiện hay đổi địa chỉ kinh doanh của chi nhánh, kéo dài từ từ tháng 12/2018 đến nay chưa giải quyết.

+ Công ty TNHH mỏ Nikel Bản Phúc gửi Đơn Khiếu nại lần 2 khiếu nại và phản đối với Quyết định số 1782/ QĐ- HQHN ngày 26/11/2018 về việc ấn định thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu của công ty. Khiếu nại lần 1 gửi từ tháng 12/2018 nhưng đến nay chưa được trả lời.

+ Công ty Hiệp Thành về việc UBND tỉnh Cà Mau chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với nhà ở và đất ở tại số 18 đường Ngô Quyền, phường 2, thành phố Cà Mau cho người trúng đấu giá từ năm 2013. Công ty đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Cà Mau và gửi đến các bộ, ngành trung ương giải quyết dứt điểm. Văn phòng Chính phủ cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh Cà Mau giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết với lý do UBND tỉnh Cà Mau đã xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhưng chưa được Bộ trả lời nên chưa giải quyết dứt điểm được

+ Công ty TNHH Cekindo phản ánh Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế nhiều lần chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ và trả kết quả đăng ký bản công bố. Nhiều lần doanh nghiệp liên hệ với lãnh đạo Cục thì chỉ nhận được trả lời là sẽ phản hồi sớm hoặc, nhưng không nêu rõ lý do chậm trễ và cũng không đưa ra ngày trả kết quả cụ thể. Việc Cục ATTP chậm trễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tiên Cục ATTP chậm trễ, tất cả các sản phẩm Công ty TNHH Cekindo Business International đăng ký đều bị chậm trả kết quả so với quy định mà không có giải thích. …

+ Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phản ánh công ty thường xuyên xuất khẩu các sản phẩm chiếu sáng LED, ruột phích và phích nước ra thị trường nước ngoài và hầu hết đều được phân luồng xanh, miễn kiểm và nhanh chóng thông quan, hiếm có phân luồng đỏ. Tuy nhiên, từ ngày 13/8/2019 cho đến nay, 100% tờ khai xuất khẩu của Công ty đều bị phân luồng đỏ. Sự việc này đã gây ra lãng phí thời gian, tăng chi phí, đã ảnh hưởng đến việc giảm mất cơ hội kinh doanh, giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của công ty.

+ Công ty TNHH Kingmo New Materials Việt Nam kiến nghị việc Chi cục Hải quan Bắc Ninh ra Quyết định ấn định thuế đối với 61 tờ khai của sản phẩm xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu kê khai theo loại hình sản xuất xuất khẩu kể từ ngày 1/9/2016. Công ty cho rằng việc thay đổi chính sách thuế tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP từ ngày 1/9/ không được cơ quan hải quan hướng dẫn cập nhật để khai báo hải quan, khai báo thuế lại cho đúng. Nay cơ quan hải quan ra quyết định truy thu hồi tố thuế xuất khẩu đã làm cho công ty lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. …

+ Công ty Biozym phản ánh, kể từ tháng 12/2018, đã gửi rất nhiều công văn đến Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 để xin được hướng dẫn và hỗ trợ về quá trình hoàn thuế cho lô hàng nguyên liệu thực phẩm, thuộc tờ khai hải quan điện tử số 102374678932/A11 với số tiền hoàn thuế là 410.840.117 VNĐ (bốn trăm mười triệu tám trăm bốn mươi nghìn một trăm mười bảy đồng). Tuy nhiên, sự việc kéo dài và chưa rõ được là khi nào sẽ được hoàn thuế.

  1. Về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo:

Nhiều doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp có nhiều kiến nghị, đề nghị thay đổi chính sách thuế như:

- Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc kiến nghị Bộ Tài chính – Tổng cục Hải quan xem xét việc ghi rõ căn cứ miễn thuế về hình thức xuất khẩu tại chỗ trong Nghị định số 08/2015/NĐ-CP; Thông tư số 38/2015/TT-BTC và xem xét lại giải thích pháp luật với hướng dẫn truy thu thuế theo kể từ ngày 01/9/2016.

- Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã trả lời rằng các Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước thời điểm 01/01/2015 không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định tại Luật số 71. Qua trao đổi với một số doanh nghiệp khác trong Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như qua các thông tin doanh nghiệp có được từ cộng đồng các nhà đầu tư tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến từ các quốc gia khác (Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc), Tổng cục Thuế và một số Cục Thuế địa phương cũng đã ban hành một số văn bản trả lời một số doanh nghiệp, trong đó cũng thể hiện quan điểm nói trên.

Theo doanh nghiệp, quan điểm nêu trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất trong lĩnh vực CNHT tại Việt Nam nói chung trong việc thụ hưởng ưu đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Quan điểm này hoàn toàn không phù hợp với các quy định về bảo đảm ưu đãi đầu tư và thuế tại các văn bản pháp luật về đầu tư và thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần có kết luận rõ ràng về quan điểm Bộ Tài chính đã nêu tại Hội nghị để hỗ trợ doanh nghiệp.

-  Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có ý kiến đề nghị xem xét lại dự kiến tăng thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% lên 5% tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP. Doanh nghiệp cho rằng, tác động của việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trồng rừng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu về độ che phủ rừng từ 41,6% lên 45% theo Quyết định số 419/QĐ-TTG kí ngày 5/4/2017 về phê duyệt chương trình quốc gia quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đại điện cho các doanh nghiệp thành viên đề nghị Chính phủ xem lại Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/ 22017 quy định về nguyên tắc khấu trừ chi phí hợp lý đối với giao dịch liên kết. Theo quan điểm của Hiệp hội, việc áp dụng quy định này đối với cả chi phí lãi vay từ bên độc lập khi mà tại Việt Nam vẫn có nhu cầu huy động vốn trong thực tế thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Cũng về nội dung này, Công ty CP đầu tư phát triển BĐS Bình An, Công ty CP đầu tư và thương mại Nhà Rồng và Công ty CP đầu tư RC12 cũng kiến nghị Chính phủ xem lại Điều 8 điểm 3 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017 khi quy định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty chỉ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ của các Công ty, nên các Công ty này bị loại trừ chi phí lãi vay làm cho Công ty phát sinh tăng lợi nhuận ảo và dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty bị điều chỉnh tăng và phải nộp theo lợi nhuận gây thiệt hại cho các công ty.

- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang phản ánh Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau thì khung giá tính thuế chênh lệch giá giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, theo so sánh giữa Công bố số 540/CBLS/XD-TC với Thông tư số 44/2017/TT-BTC thì giá tại tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh khác cùng khu vực miền núi phía Bắc, so với mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên thấp hơn 155%, chênh lệch giảm so với mức giá tối thiểu của khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ tài chính ban hành là 155%. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết vấn đề này và sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, khắc phục bất cập về chênh lệch giá tại Thông tư 44/2017/TT-BTC. Ngoài ra, Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc cũng có văn bản góp ý Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2017/TT-BTC. Công ty cho rằng khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản niken được nêu ra trong dự thảo sửa đổi Thông tư 44/2017/ TT-BTC vẫn rất cao với điều kiện khai thác quặng.

  1. Về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp:

- Hiệp hội tấm lợp Việt Nam có văn bản gửi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều bộ ngành kiến nghị về Đề án “ lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sử dụng tấm lợp amiăng trắng từ năm 2023”. Quan điểm của Hiệp hội là phản đổi việc triển khai Đề án này. Đây là vấn đề Hiệp hội và các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều năm qua. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng đã có văn bản giải thích nhiều lần tuy nhiên chưa thuyết phục được Hiệp hội và các doanh nghiệp…

-  Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam có văn bản gửi các cơ quan chức năng góp ý sửa đổi Luật Xây dựng. Các nội dung góp ý bao gồm: Tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật; Sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng xây dựng; Bất cập về đóng bảo hiểm hợp động lao động ngắn hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng của nghành xây dựng; vướng mắc về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng; Công tác thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng; Vướng mắc về định mức  - đơn giá và thẩm định dự toán.

-  Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thiết bị vệ sinh phản ánh từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm thiết bị vệ sinh, đặc biệt là sứ vệ sinh, sứ dân dụng được nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn và giá bán rất thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Qua điều tra sơ bộ, các doanh nghiệp đã phát hiện một số vấn đề gian lận thương mại, sản phẩm nhập khẩu không rõ ràng về nguồn gốc như: số lượng nhập khẩu lớn, giá bán thấp, vi phạm quy định về bao bì, nhãn mác, thiếu kiểm định chất lượng… Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng Trung Quốc kém chất lượng vào thị trường Việt Nam đã đe dọa đến sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp trong ngành, gây nguy cơ bất ổn xã hội từ việc người lao động mất việc và có thể dẫn tới biến mất một ngành kinh doanh.

- Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại trung tâm Đông Nam Á và Châu Đại Dương có kiến nghị với Chính phủ về việc cần thiết phải xây dựng cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có thể kinh doanh xăng dầu trên thiết bị tự động. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thể mở các địa điểm kinh doanh xăng dầu tại miền núi, vùng nông thôn… có nhu cầu sử dụng không lớn vì có thể tiết giảm chi phí xây dựng và vận hành tối đa.

  1. Về giảm chi phí cho doanh nghiệp:

Một số vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp/ hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều như:

 - Chi phí vận tải vẫn là điểm nghẽn tương đối lớn đối với các doanh nghiệp tại nhiều địa phương. Mặc dù các tỉnh đều có các kế hoạch cải thiện hạ tầng giao thông, nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông của các tỉnh đều bị chậm, thời gian thi công kéo dài khiến tốc độ giao thông chậm, khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp tăng cao.

- Thông tư số 44/2017/TT/BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị sửa đổi về các nội dung: khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau; giá đất, cát san lấp mặt bằng; giá cát xây dựng; giá đá nguyên khai ( đá sau nổ mìn )… Điều này cho thấy Thông tư có nhiều quy định cần xem xét, sửa đổi đề giảm chi phí hơn cho doanh nghiệp.

- Công ty TNHH dịch vụ xuất khẩu Thuận Phát phản ánh tổng chi phí để kiểm tra chuyên ngành 1 cái máy tính xách tay là: 50.545.000 đồng cho 7 thủ tục kiểm tra. Vì vậy, nếu 1 cái máy tính bán lãi 500.000 đồng thì phải nhập hơn 100 cái mới đủ phí để kiểm tra chuyên ngành. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ. Doanh nghiệp đề nghị cần có giải pháp giảm chi phí này.

- Vấn đề xác định tiền thuê đất và giải quyết các vấn đề liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị đều là các vụ việc đã kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm như: kiến nghị của Công ty cổ phần Giày Hà Nội; kiến nghị của Công ty cổ phần Tứ Đỉnh – Lào Cai; kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư XNK Đắk Lắk… Đặc biệt là kiến nghị của công ty Thép DANA – Ý liên quan đến việc UBND TP  Đà Nẵng thay đổi chính sách liên quan đến Cụm công nghiệp Thanh Vinh nhưng hiện vẫn chưa có phương án giải quyết cho doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động. Kiến nghị được Công ty DANA – Ý, Hiệp hội  Thép Việt Nam, VCCI và Văn phòng Chính phủ chuyển UBND TP Đà Nẵng từ tháng 1/2018 và nhiều lần sau đó nhưng cho đến nay vẫn chưa được UBND TP Đà Nẵng trả lời.

 [1] Đối với các kiến nghị gửi đồng thời Văn phòng Chính phủ, VCCI, các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp… được tính vào kênh gửi Văn phòng Chính phủ để tránh trùng lặp.

[2] Bộ Kế hoạch – Đầu tư: năm 2018 nhận được 144/701 kiến nghị (chiếm 20,5%), năm 2019 nhận được 221/936 (chiếm 23,6%); Bộ Tài chính: năm 2018 nhận được 164/701 kiến nghị (chiếm 23,4% %), năm 2019 nhận được 242/936 kiến nghị (chiếm 25,6%); Bộ Xây dựng: năm 2018 nhận được 71/701 kiến nghị (chiếm 10,1%), năm 2019 nhận được 91/936 kiến nghị ( chiếm 9,7%); %); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: năm 2019 nhận được 76/936 kiến nghị (chiếm 8,1%); Bộ Công Thương: năm 2018 nhận được 47/701 kiến nghị (chiếm 6,7%), năm 2019 nhận được 47/936 kiến nghị ( chiếm 5%); Bộ Tài nguyên và Môi trường: năm 201 nhận được 59/936 kiến nghị (chiếm 6,3 ….