“Khai xuân” ở Hội đồng Bảo an

Bởi ông và cả Phái đoàn Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho việc Việt Nam chính thức làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong 2 năm bắt đầu từ ngày 1.1.2020 và làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng 1.2020.

Sau cả tháng, cuối cùng Đại sứ Đặng Đình Quý cũng thu xếp được buổi trò chuyện với Lao Động để trải lòng về những nỗ lực, kỳ vọng, quyết tâm và cả sự lo lắng về những thách thức trong năm Việt Nam nhận nhiệm vụ.

* Thưa Đại sứ, Việt Nam đã đảm nhận tốt nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an cách đây 10 năm, vậy lần này có gì khác? Kinh nghiệm trước đây giúp được gì cho Việt Nam trong nhiệm kỳ tới?

- So với giai đoạn 2008-2009, hoạt động của Hội đồng Bảo an hiện nay có xu hướng công khai hơn. Trong năm 2008, có 174 cuộc tham vấn kín và 27 cuộc họp riêng, nhưng đến năm 2018, số lượng các cuộc tham vấn kín giảm xuống còn 120 và chỉ có 13 cuộc họp riêng. Ở một chiều hướng khác, mặc dù ở Hội đồng Bảo an, các hoạt động công khai nhiều hơn nhưng bất đồng giữa các nước thành viên có xu hướng gia tăng, thể hiện ở số lượng các nghị quyết đạt đồng thuận giảm, các nghị quyết bị phủ quyết và không được thông qua tăng. 

Tại Hội đồng Bảo an, các nước thành viên thường trực (P5) vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo nhờ có quyền “phủ quyết”, có nguồn lực vượt trội về quân sự, kinh tế. Mặc dù vậy, các nước thành viên không thường trực (E10) ở mức độ nhất định cũng đã tìm được điểm đồng trong việc cùng nhau thúc đẩy xu thế dân chủ hóa, nâng cao sự tham gia, đóng góp mang tính xây dựng và trách nhiệm.

Mặt khác, các nước E10 có sự phối hợp rất đa dạng trên từng vấn đề cụ thể được trao đổi tại Hội đồng Bảo an. Sau 12 năm, việc hai nước ASEAN, Việt Nam và Indonesia, lại cùng làm thành viên Hội đồng Bảo an trong năm 2020, là cơ hội để chúng ta đề cao hình ảnh của ASEAN tại Liên Hợp Quốc, khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN 2020. 

Tôi có thể khẳng định, so với nhiệm kỳ đầu cách đây 10 năm, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn, hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong thời gian qua được tăng cường đáng kể, quan hệ đối ngoại Việt Nam được phát triển sâu sắc hơn cả về song phương và đa phương.

* Vậy những ưu tiên của Việt Nam cho nhiệm kỳ 2020-2021 là gì, thưa Đại sứ?

* Vâng, tôi cũng khó có thể hình dung được hết khối lượng công việc đồ sộ mà Đại sứ cũng như Phái đoàn Việt Nam phải chuẩn bị trong thời gian nước rút này. Đại sứ có thể chia sẻ những chuẩn bị của Việt Nam ở “đầu cầu” New York cho vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong những ngày Tết đến Xuân về này?

- Quả thực nhiệm kỳ của tôi trùng với thời điểm Việt Nam đảm nhận trọng trách này là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của cả phái đoàn và “đầu cầu” Hà Nội. Có thể khẳng định rằng kể từ khi trúng cử Hội đồng Bảo an với số phiếu 192/193 vào tháng 6.2019, phái đoàn đã và đang triển khai tích cực công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam, xứng đáng với sự tin tưởng và mong đợi của bạn bè quốc tế.

Về đối ngoại, phái đoàn đã tiến hành tham vấn và trao đổi với tất cả 14 thành viên Hội đồng Bảo an cùng nhiệm kỳ với Việt Nam nhằm tìm hiểu quan tâm của các nước và khả năng hợp tác trong năm 2020-2021. Phái đoàn cũng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các nước đã kết thúc nhiệm kỳ cuối năm 2018, các nước sắp kết thúc nhiệm kỳ cuối năm 2019, cũng như các nước có kinh nghiệm làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an những năm gần đây và các nước làm Chủ tịch tháng 1 ngay khi mới vào Hội đồng Bảo an.

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì tổ chức khoảng 15 cuộc trao đổi giữa 5 nước sắp vào Hội đồng Bảo an cùng nhiệm kỳ và các nước đang thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Các cuộc trao đổi này nhằm giúp các nước sắp vào Hội đồng Bảo an hiểu rõ hơn tình hình thực địa, tăng cường trao đổi với nước liên quan, qua đó, đóng góp thiết thực vào quá trình thảo luận và ra quyết định của Hội đồng Bảo an. Tôi rất phấn khởi là sáng kiến này được các nước đánh giá rất cao.

Để thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, Việt Nam cũng sẵn sàng đảm nhận vị trí chủ tịch các cơ quan trực thuộc của Hội đồng theo phân công, gồm các ủy ban về Nam Sudan, Lebanon và Nhóm làm việc không chính thức về cơ chế còn lại của các Tòa án quốc tế.

Về sự chuẩn bị trong nội bộ, phái đoàn đã triển khai xây dựng phân công công việc phù hợp để theo dõi nội dung và xây dựng tài liệu về Hội đồng Bảo an trong một số tháng vừa qua. Cùng với đó, phái đoàn đã tận dụng giai đoạn các nước sắp vào Hội đồng Bảo an được tham dự các cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an (từ tháng 10.2019) để diễn tập “chạy thử”, làm quen với công việc. Giai đoạn chạy thử này thực sự là rất quý giá, giúp chúng ta rà soát tổng thể công tác hồ sơ, bố trí nhân sự và cơ chế phối hợp.

Thành thực mà nói, đối với vị trí Chủ tịch luân phiên mà Việt Nam đảm nhiệm ở Hội đồng Bảo an tháng 1.2020, tôi cho rằng đây là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên Hội đồng Bảo an bằng việc phải lập tức chủ trì điều phối hoạt động của Hội đồng Bảo an trong cả tháng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho ta để làm quen với thủ tục và phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an ngay từ tháng đầu tiên và cũng là để thể hiện năng lực và uy tín của Việt Nam.

Theo đó, phái đoàn đã tích cực làm việc với Ban Thư ký Hội đồng Bảo an để lên kế hoạch, xây dựng và tham vấn chương trình làm việc cho tháng 1.2020 của Hội đồng Bảo an. Tháng 1 cũng đồng nghĩa với việc ta phải điều hành tất cả các cuộc họp của Hội đồng và xử lý các đề nghị phát sinh của các nước. Trong xây dựng và triển khai mọi kế hoạch, chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo của Thủ đô, giữ vững nguyên tắc tham gia có trách nhiệm, đồng thời, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ và chúc Đại sứ có một năm Canh Tý thành công!

"Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu 192/193 vào tháng 6.2019. Dù sẽ có những khó khăn và thách thức, chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt trọng trách của mình tại Hội đồng Bảo an".