Xuân sớm ở Thánh Quang cổ tự: Sửng sốt trước kho tàng vô giá

Xuân sớm ở Thánh Quang cổ tự

Chùa Nhẫm Dương nằm nép mình ở phía đông núi Nhẫm (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương), giữa góc nhỏ xanh rờn lá và quần thể núi non, hang động đá vôi đẹp tựa tranh thủy mặc. Chùa rất nổi tiếng, mới đến đầu xã Duy Tân, hỏi thăm thì ai cũng biết. Cứ thế bon qua mấy con đường nhỏ hun hút rạc cỏ khô nữa, chùa nằm sâu trong núi.

Trái ngược với những giá trị lịch sử to lớn của mình, ngôi cổ tự khởi dựng từ thời Trần này lại sở hữu khuôn viên khá giản dị, với tòa thượng điện rêu phong đối diện cổng vào và một dãy mới hơn nằm vuông bên trái, chính là nơi cất giữ những hiện vật vô giá.

Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự) có vẻ bề ngoài khá đơn sơ.
Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự) có vẻ bề ngoài khá đơn sơ.
Chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự) nằm sâu trong núi, có vẻ bề ngoài khá đơn sơ. 

Dù đang dịp đầu năm mới, nhưng ngôi chùa cổ không quá đông đúc mà chủ yếu là người địa phương đến cúng lễ. Người ta bảo, tại chùa nằm nơi hẻo lánh, lại chưa được “truyền thông” đúng mực, nên ít nhiều thiệt thòi về mặt danh tiếng?

Theo tìm hiểu của PV, Nhẫm Dương là tổ đình lớn và nổi tiếng bậc nhất của Phật Giáo vùng Đông Bắc, do Thánh Tổ Thủy Nguyệt khai sáng vào năm 1279 theo phái Tào Động. Chùa còn được gọi là Thánh Quang bởi gắn liền với sự  tích "hóa thánh" kỳ lạ của chính sư tổ Thủy Nguyệt. 

Do sự biến đổi của lịch sử và đặc biệt là trong quá trình kháng chiến, chùa Nhẫm Dương đã bị tàn phá nặng nề chỉ còn lại ngôi Bảo Tháp, một số bia đá, gạch trang trí hoa văn đời Trần cùng mấy cây Thị.

Từ năm 1968 chùa từng bước được khôi phục lại, nhất là từ năm 1987 khi sư thầy Thích Diệu Mơ về trụ trì. Đến nay, ngôi chùa đã khang trang: có Tiền đường, Hậu cung, Nhà tổ, tăng phòng, khu sinh hoạt của các tu hành...

Ngôi Bảo Tháp tại chùa Nhẫm Dương.
Ngôi Bảo Tháp tại chùa Nhẫm Dương.

Đặc biệt hơn, ngay trong khuôn viên Nhẫm Dương tự và các hang động xung quanh lại chính là nơi các nhà khoa học lần lượt phát hiện ra nhiều hiện vật cổ rất quý hiếm có niên đại từ vài trăm đến hàng vạn năm. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, sư thầy Thích Diệu Mơ cho biết, khoảng năm 2000, trong quá trình đào trong hang để tìm một số tượng Phật bằng đá được chôn cất vào thời Pháp phá chùa, nhà sư bất ngờ phát hiện một số vật thể có dấu hiệu lạ nên lập tức báo với cơ quan chức năng.

Trụ trì Thích Diệu Mơ bên những báu vật vô giá.
Trụ trì Thích Diệu Mơ bên những báu vật vô giá. 

Qua nghiên cứu, Viện Khảo cổ kết luận: đây là răng hóa thạch của Đười ươi ở thời Canh Tân, đây là xương hàm dưới Tê giác cùng hàng chục hóa thạch của Voi Ấn Độ, Gấu, Ngựa, Trâu, Nai. Lợn rừng,… cùng một số mảnh sọ, 5 chiếc răng, xương chi của một người thuộc thời đồ đá. 

Ngoài ra ở khu gần cửa hang còn phát hiện những mảnh gốm men nâu thời Trần, thời Lê và rất nhiều tiền đồng thời Nguyễn. Tất cả các cổ vật ấy đã tạo cho khu vực chùa Nhẫm Dương thành một địa chỉ khảo cổ, góp thêm một tiếng nói cho lịch sử nước nhà và là niềm tự hào của dân tộc.

Kho báu vô giá

Trong chùa, ở dãy nhà bên trái là nơi trưng bày hàng chục tủ kính là nơi cất giữ các hiện vật vô giá được chia làm 4 nhóm gồm: đồ gốm, đồ đồng, đồ đá và các hóa thạch xương người, xương động vật thời tiền sử có niên đại từ 3 - 5 vạn năm.

Cụ thể, có rất nhiều công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt bằng đá (rìu, bôn), kim loại (rìu, vòng, gương, chuông, giáo, cuốc, qua, kiếm, thố), hàng nghìn đồng tiền cổ của Trung Quốc, Việt Nam.

Một em bé tỏ ra rất thích với những hiện vật được trưng bày.
Một em bé tỏ ra vô cùng thích thú với những hiện vật được trưng bày. 

Phong phú hơn cả là hàng trăm đồ gốm cổ có niên đại trải dài suốt từ thế kỷ I đến thế kỷ XX, trong đó nhiều đồ gốm vẫn còn nguyên vẹn, rất có giá trị trong nghiên cứu cuộc sống của người Việt cổ trên mảnh đất này. Đặc biệt, cũng trong quá trình khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm được cả răng vượn Pôngô hóa thạch..

Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, rất ít địa điểm khảo cổ học có giá trị đặc biệt như Nhẫm Dương. Nơi đây có chứa nhiều hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài, liên tục suốt hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Các công trình nghiên cứu khảo cổ học thông qua các cuộc thám sát điền dã, nhất là hệ thống hiện vật khảo cổ đều khẳng định động Thánh Hoá và Hang Tối thuộc núi Nhẫm Dương là các di chỉ khảo cổ học quan trọng rất cần được bảo vệ, khai quật để nghiên cứu nhằm phát huy hết những giá trị đặc biệt của khu di tích này...  

Di cốt người cổ đại mới được tìm thấy, một trong những hiện vật có giá trị nhất trong kho tàng cổ vật tại chùa.
Di cốt người cổ đại mới được tìm thấy, một trong những hiện vật có giá trị nhất trong kho tàng cổ vật tại chùa. 

Bên cạnh đó, chùa còn là di tích lịch sử cách mạng gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hệ thống hang động ở Nhẫm Dương như động Thánh Hóa, Tĩnh Niệm đã có nhiều đơn vị về đóng quân...

Với những giá trị đặc biệt to lớn về lịch sử Phật giáo và khảo cổ học, ngày 22.12.2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là Di tích quốc gia đặc biệt. 

Theo lời trụ trì Thích Diệu Mơ, bản thân sư thầy và các con cháu tổ đình cũng như các nhà khoa học đều rất mong muốn số hiện vật kể trên được cất giữ tại một nơi xứng đáng hơn, có thể là một nhà bảo tàng nho nhỏ ngay tại Nhẫm Dương.

"Ý nguyện của chúng tôi là mong các cấp quan tâm giúp đỡ. Cũng mong các mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp cùng khách thập phương chung tay ủng hộ để chúng tôi có thể gây dựng được một nhà bảo tàng nho nhỏ. Như thế thì việc cất giữ và bảo tồn sẽ được đảm bảo hơn, xứng đáng hơn" - sư Mơ nói.

Theo LONG NGUYỄN(Báo Lao động)

https://laodong.vn/xa-hoi/xuan-som-o-thanh-quang-co-tu-sung-sot-truoc-kho-tang-vo-gia-780445.ldo