Tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý "gánh" cơ nghiệp đồ sộ

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco

tu dai doanh nhan tuoi canh ty "ganh" co nghiep do so hinh anh 1

Ông Trần Bá Dương

Trong danh sách những đại gia tuổi Tý trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Bá Dương (1960) - Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) là cái tên nổi bật nhất. Không chỉ nắm giữ “anh cả” ngành ô tô, ông còn là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trân Oanh.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, ông Dương đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1978. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Sau 14 năm gắn bó, ông Dương quyết định nghỉ việc và thành lập xưởng sửa chữa riêng của mình. Đây là bước đệm tiền đề cho việc hình thành Công ty ô tô Trường Hải sau này. Sau đó vài năm, ông Trần Bá Dương đã tiến một bước đi táo bạo là mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA (2000).

Lúc bấy giờ, ô tô của Thaco được khách hàng trong nước rất ưa chuộng. Tiếp nối thành công ở mảng lắp ráp xe tải ông tiếp tục hướng đi của mình khi đóng vai trò mở đường, là người Việt Nam đầu tiên làm xe du lịch. Đồng thời Thaco trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sản xuất xe ô tô du lịch.

Sự phát triển của đế chế Thaco ở Việt Nam giúp ông Trần Bá Dương chính thức lọt TOP tỷ phú đô la theo danh sách của Forbes năm 2018 với khối tài sản 1,8 tỷ USD (khoảng hơn 40.000 tỷ đồng). Năm 2019, ông Dương là 1 trong 5 tỷ phú USD người Việt Nam có tên trong bản đồ tỷ phú thế giới với vị trí 1.349, tổng tài sản 1,7 tỷ USD.

Để có được thành quả như hôm nay, bản thân ông Dương cũng trải qua nhiều vấp ngã. Những lúc như vậy, vị tỷ phú USD cho rằng trong kinh doanh ai cũng mắc sai lầm nhưng để tồn tại và phát triển thì phải đúng nhiều hơn sai.

Trong 2 năm trở lại đây, tên tuổi của Chủ tịch Thaco được nhắc đến nhiều hơn khi bắt tay, giúp ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) “vượt khó”. Việc rót hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực rủi ro như nông nghiệp để vực dậy Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức được cho là bước đi khá táo bạo của vị tỷ phú này. Thế nhưng, hơn 1 năm, “cú bắt tay” giữa ông Trần Bá Dương và bầu Đức đã giúp cho công ty nông nghiệp của bầu Đức chuyển từ trạng thái khó khăn về tài chính, thậm chí phải dùng đến từ giải cứu thì nay đã giảm được lỗ lũy kế, tự cân đối được dòng tiền.

Và cũng hơn 1 năm sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào công ty nông nghiệp của bầu Đức, Chủ tịch Thaco lại tiếp tục rót ngàn tỷ đồng “giải cứu” Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) - doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh “vua cá tra” Dương Ngọc Minh.

Khi nói về vấn đề này, ông Dương cho biết, “Trong kinh doanh, tôi không thích từ “giải cứu”. “Nó là cơ duyên, cơ hội để chúng ta tham gia vào một ngành mới, chia sẻ hợp tác để làm tốt hơn. Không có chuyện say sưa giải cứu để làm anh hùng”. Vị tỷ phú USD này luôn tâm niệm, đó là sự chia sẻ hợp tác giữa doanh nghiệp, doanh nhân, để cùng nhau đóng góp, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Thành Thành Công

tu dai doanh nhan tuoi canh ty "ganh" co nghiep do so hinh anh 2

Ông Đặng Văn Thành

Cùng sinh năm 1960, ông Đặng Văn Thành là 1 trong những đại gia ngành ngân hàng và mía đường nổi tiếng tại Việt Nam. Ông là người gây dựng nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và cùng vợ Huỳnh Bích Ngọc dựng nên đế chế Thành Thành Công.

Từ cuối thập niên 1980, 2 vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường.

Ngân hàng Sacombank với vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng, ông Thành cũng là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.

Tại Sacombank, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 15/7/1995 đến năm 2012. Dưới thời ông Thành, Sacombank niêm yết thành công lên sàn chứng khoán vào năm 2006, là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.

Cuối năm 2012, hai cha con ông Thành rút khỏi Sacombank. Năm cuối cùng ông Thành còn gắn bó với Sacombank, ngân hàng đã có mạng lưới rộng lớn với 417 chi nhánh - phòng giao dịch, khoảng 10.000 nhân viên hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ của Sacombank tăng lên gần 11.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sở hữu trong tay hàng loạt các doanh nghiệp lớn, TTC Group (Tập đoàn Thành Thành Công) được đánh giá là một trong những "ông trùm" ngành mía đường Việt. Ngoài ra, Tập đoàn của ông Đặng Văn Thành còn là một trong những nhà phát triển năng lượng tư nhân lớn nhất Việt Nam với 19 nhà máy thuỷ điện và 7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Thành Thành Công cho biết điện gió và điện mặt trời sẽ là 2 trong 4 mảng chính trong nhóm ngành đầu tư vào năng lượng tái tạo của Tập đoàn.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank

Nằm trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng ông Dương Công Minh – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chỉ đứng ở vị trí thứ 88 với 682 tỷ đồng có được từ việc sở hữu hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.

tu dai doanh nhan tuoi canh ty "ganh" co nghiep do so hinh anh 3

Ông Dương Công Minh

Ông Dương Công Minh (sinh 05/10/1960) quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông Minh từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh vốn được biết đến với biệt danh "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Thế nhưng, với ông Dương Công Minh kinh doanh không phải là một con đường bằng phẳng đoạn nào cũng trải đầy hoa hồng. Trong một chuyến buôn lớn gặp phải lô xoài non nên trên đường xuất khẩu đã thối và hỏng hết. Chuyến buôn này khiến ông phá sản. Kết quả, “Minh Xoài” đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà, ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cái tên “Minh Him Lam” cũng xuất hiện từ đó. Không chỉ là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam với tỷ lệ sở hữu 99%, ông Minh còn dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank. Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Điều đáng nói, dưới sự lèo lãi của Chủ tịch Dương Công Minh, Sacombank ghi nhận kết quả tích cực tính tới cuối năm 2019. Theo báo cáo tài chính quý IV/2019 của Sacombank, nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank đạt trên 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông. 

Với con số lợi nhuận này, Sacombank cũng đánh dấu sự trở lạ tương đương thời kỳ hoạt động tốt nhất là những năm 2012 - 2013, trước khi tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.

Về phần mình, ông Dương Công Minh khẳng định, bản thân ông cũng từng chịu nhiều áp lực trước không ít “điều tiếng” cho rằng ông tham gia ngân hàng là vì khối tài sản bất động sản của Sacombank. Tuy nhiên, “tôi vào đây không mua bất cứ tài sản nào của Sacombank và tôi không sử dụng bất cứ đồng vốn nào của Sacombank”, ông Minh khẳng định.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Kido

tu dai doanh nhan tuoi canh ty "ganh" co nghiep do so hinh anh 4

Ông Trần Kim Thành

Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960. Ông Thành và em trai Trần Lệ Nguyên là 2 nhà sáng lập Tập đoàn Kinh Đô (nay là Kido). Thuở nhỏ 2 anh em ông Thành đã bắt đầu làm quen với lĩnh vực bánh kẹo khi làm việc trong một tiệm bánh nhỏ của gia đình. Khởi đầu của Kinh Đô là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1993, Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh bánh Snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường. Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo...

Năm 2014, Kinh Đô bất ngờ tuyên bố bán mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International và lấn sân sang những lĩnh vực vốn chưa có nhiều kinh nghiệm là mì gói, dầu ăn, gia vị, cà phê. Sau thương vụ này, Kinh Đô đổi tên thành KIDO.

Tháng 5/2017, KIDO đã hoàn tất mua vào 32,886 triệu cổ phiếu của Vocarimex nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 51%. Thương vụ này giúp KIDO trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn.

Ngoài công việc kinh doanh, ông Thành còn là diễn giả, mentor nổi tiếng trong giới kinh doanh với phong cách "nhân trị".

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/tu-dai-doanh-nhan-tuoi-canh-ty-ganh-co-nghiep-do-so-77771052987.htm