Ông Trương Đình Tuyển: “Chúng ta đang ưu đãi ngược cho kinh tế tư nhân“

ong truong dinh tuyen: “chung ta dang uu dai nguoc cho kinh te tu nhan“ hinh anh 1

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra tháng 12/1986, dù trải qua nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện, nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới. Song để có thể trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao vào năm 2045, bản thân nền kinh tế Việt Nam vừa phải tăng trưởng nhanh, bền vững. Quan trọng hơn, phải tự thay đổi chính mình thông qua nâng cao trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

 

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Đình Tuyển, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, IX, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về vấn đề này.

Dấu ấn cải cách thể chế sau 34 năm Đổi mới kinh tế đất nước

Thưa ông, sau 34 năm thực hiện đường lối Ðổi mới của Ðại hội VI, đất nước ta đã có những bước chuyển mình, từ một quốc gia chậm phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của mình?

Đúng là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Điều đó thể hiện ở nền kinh tế tăng trưởng nhanh, từ một nước chậm phát triển và phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế xã hội vào những năm cuối của thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, nước ta đã trở thành một nước có mức đang phát triển thu nhập trung bình, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tốt lên, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa bền vững, nội lực chưa được phát huy đầy đủ, còn phụ thuộc khá lớn vào đầu tư nước ngoài, Hiện tại khu vực FDI đã chiếm trên 15% GDP, khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 70% kim ngạch xuất khẩu nhưng công nghệ thấp, giá trị gia tăng không cao. Đây là những yếu tố không bảo đảm tính bền vững của sự phát triển.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam dù phát triển nhanh, những vẫn tụt lại phía sau khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực?

Trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại”, các tác giả Daron Acemoglu và James A.Robinson đã chỉ rõ các quốc gia thất bại không phải do thiếu vốn, càng không phải do thiếu tài nguyên mà là do thể chế phát triển không tốt. Những thành tựu mà nước ta đạt được trong 30 năm qua chính là nhờ những cải cách thể chế. Nếu nhìn vào nông nghiệp ta càng thấy rõ điều này. Vẫn ruộng đất ấy, vẫn người nông dân ấy từ một nước thiếu lương thực nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới chính là nhờ những cải cách thể chế quản lý nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhưng cải cách này vẫn chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự thay đổi trong lực lượng sản xuất và sự phát triển của Khoa học - Công nghệ.

ong truong dinh tuyen: “chung ta dang uu dai nguoc cho kinh te tu nhan“ hinh anh 3

Ông Trương Đình Tuyển trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ IV "Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức.

Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/CP về cải thiện môi trường kinh doanh với những tiêu chí đo lường cụ thể. Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nhưng vẫn chưa đủ. Vì môi trường kinh doanh không thể vượt qua thể chế. Chính thể chế tạo ra khung khổ, định ra giới hạn cho môi trường kinh doạnh. Lâu nay, chúng ta vẫn hô hào đẩy mạnh cải cách thể chế nhưng ít đạt được bước tiến rõ nét. Nguyên nhân là chúng ta chưa xác định đúng nội dung cần tập trung cải cách.

Theo tôi, cần dựa vào các nội dung cam kết về thể chế trong các hiệp định Mậu dịch tư do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) để thực hiện cải cách. Mặt khác cần chú ý đến hai nội dung quan trọng khác là chế độ sở hữu và cơ chế quản trị quốc gia.

“Chúng ta đang có sự ưu đãi ngược. Chúng ta ưu đãi nhiều cho khu vực FDI, sau đó đến doanh nghiệp nhà nước, cuối cùng mới đến doanh nghiệp tư nhân”, ông Trương Đình Tuyển nhận xét.

Tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra thông điệp: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng”. Dường như thông điệp này thêm một lần khẳng định quan điểm của Đảng về Kinh tế tư nhân là khu vực có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế?

Kinh tế tư nhân, theo quan điểm của Đảng ta không chỉ là động lực mà là động lực quan trọng trong phát triển. Cá nhân tôi cho rằng, từ quan trọng cũng chưa thể hiện được vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân.

Khen thưởng, phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân đang thể hiện quan điểm khích lệ của lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Song điều khối kinh tế tư nhân cần hơn có lẽ là tạo bình đẳng trong phát triển, được bảo vệ và mong muốn những cải cách quyết liệt và triệt để từ bên trong bộ máy Nhà nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế?

Đúng vậy. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta đang có sự “ưu đãi ngược”. Chúng ta ưu đãi nhiều cho khu vực FDI, sau đó đến doanh nghiệp nhà nước, cuối cùng mới đến doanh nghiệp tư nhân.

Vinamilk đã thành người lớn

Từ tâm lý “cứ sợ béo lên là bị thịt”, đến nay kinh tế nhân đã là động lực quan trọng để phát triển đất nước với đầu tàu là những tập đoàn kinh tế như Vingroup, Sungroup… Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, hơn cả các chaebol của Hàn Quốc về tốc độ là rủi ro với kinh tế Việt Nam do tư nhân dễ dàng chạy theo mục tiêu ngắn hạn của mình và gây ra trục trặc?

Đúng là khá nhiều Tập đoàn kinh tế tư nhân tích lũy vốn và giàu lên từ bất động sản, ít có doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, trừ Tập đoàn Trường Hải, TH Trumilk, Vinamilk và gần đây là Vingroup. Bởi đầu tư vào bất động sản thường có lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cao.

ong truong dinh tuyen: “chung ta dang uu dai nguoc cho kinh te tu nhan“ hinh anh 4

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo đi tham quan các khu vực chính của nhà máy sản xuất ô tô VinFast. (Ảnh: Đỗ Tuấn).

Nhưng như anh nói, nhiều doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi ích ngắn hạn mà thiếu đi chiến lược phát triển và tầm nhìn dài hạn. Điều này trước đây có nguyên nhân là cơ chế chính sách của chúng ta thiếu ổn định, thường hay thay đổi nên các doanh nghiệp kinh doanh “cơ hội”. Song những năm gần đây, tình hình này đã được khắc phục, nếu có thay đổi là thay đổi theo hướng tốt hơn.

Nhiều ý kiến nhìn nhận Việt Nam chỉ có các doanh nghiệp “tập làm người lớn” như TH True Milk, FPT, Vietjet, Vinamilk… Vậy những doanh nghiệp nêu trên đang thiếu yếu tố gì để trở thành “người lớn” thực sự?

“Môi trường kinh doanh không thể vượt qua thể chế. Chính thể chế tạo ra khung khổ, định ra giới hạn cho môi trường kinh doạnh. Lâu nay, chúng ta vẫn hô hào đẩy mạnh cải cách thể chế nhưng ít đạt được bước tiến rõ nét. Nguyên nhân là chúng ta chưa xác định đúng nội dung cần tập trung cải cách”, ông Trương Đình tuyển nhấn mạnh.

Đánh giá như vậy có khắt khe quá không? Ban đầu, cũng phải “tập thành người lớn” rồi mới thành người lớn thực thụ được. Tôi nghĩ Vinamilk đã thành người lớn. Để thành người lớn phải có chiến lược phát triển dài hạn, phải tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, phải không ngừng nầng cao sức cạnh tranh và lựa chọn chiến lược cạnh tranh đúng đắn dựa trên khả năng thực tế của doanh nghiệp.

Nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế nhà nước

Thời gian qua, hoạt động của một số doanh nghiệp thuộc khối kinh tế Nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo ra nhiều thất thoát tại các công trình, dự án quan trọng. Liệu đây có phải thời điểm phù hợp để chúng ta tập trung nguồn lực, đưa tư nhân trở thành trụ cột phát triển chính hay nền kinh tế vẫn cần sự hài hoà, “vỗ bằng hai bàn tay nhà nước và thị trường”?

Cặp phạm trù Nhà nước và thị trường khác với nhà nước và tư nhân. Nhà nước và thị trường là nói về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường Trong đó, thị trường là cơ chế phân bố và sử dụng nguồn lực chủ yếu. Nhưng thị trường cũng bị thất bại do tính tự phát và sự “bất đối xứng” về thông tin nên phải có vai trò của Nhà nước. Nhà nước khắc phục sự thất bại của thị trường. Nếu nhìn lại vai trò của Nhà nước trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, ta thấy đã có nhiều thay đổi. Từ Nhà nước chỉ huy, sang nhà nước can thiệp, rồi Nhà nước điều tiết và giờ là Nhà nước kiến tạo.

Tuy nhiên, kinh tế nhà nước lúc nào cũng quan trọng vì kinh tế Nhà nước khác với doanh nghiệp Nhà nước. Kinh tế Nhà nước bao gồm tài nguyên Quốc gia, dự trữ Nhà nước, bao gồm dự trữ ngoại tệ và doanh nghiệp Nhà nước. Theo tôi, thậm chí chính sách kinh tế làm nên “sức mạnh mềm” của kinh tế Nhà nước. Nói kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo là nói kinh tế Nhà nước với nội hàm đó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nói về tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm vừa qua, trong một dịp trao đổi cùng Dân Việt, ông Trương Đình Tuyển từng nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI. Theo thống kê, khối FDI vẫn đóng góp tới 75% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

“Chất lượng FDI rất thấp, chúng ta chủ yếu thực hiện gia công, không có sản phẩm nào thể hiện sự đầu tư - chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Trừ Hàn Quốc có một chút chuyển giao công nghệ, còn các nước sở hữu nền tảng công nghệ cao như Nhật Bản không có chuyển giao công nghệ. Do đó, tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam rất thấp, nếu có biến cố xảy ra, khối FDI rút đi, vậy chúng ta tăng trưởng dựa vào đâu?”, ông Trương Đình Tuyển đặt câu hỏi.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/ong-truong-dinh-tuyen-chung-ta-dang-uu-dai-nguoc-cho-kinh-te-tu-nhan-77771052916.htm