Viêm phổi Vũ Hán nguy hiểm với kinh tế Trung Quốc hơn SARS

Trung Quốc một lần nữa phải vật lộn với một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đáng sợ trước Tết Nguyên đán, khi hàng trăm triệu người về quê hoặc ra nước ngoài trong kỳ nghỉ quan trọng nhất năm.

Cho đến nay, chủng virus corona xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, có vẻ ít nguy hiểm hơn hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào đầu những năm 2000, khiến 700 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Quốc, đặc biệt đường sắt cao tốc, đã tốt hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS năm 2003. Do đó, virus dường như lây lan nhanh chóng hơn.

Chưa kể, nền kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào dịch vụ và chi tiêu của người tiêu dùng hơn đầu những năm 2000. Trong thời kỳ đỉnh cao của dịch SARS vào năm 2003, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm giảm khoảng một nửa.

Do đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện có nhiều điểm yếu hơn trước một dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp, so với khi SARS tấn công. Điều quan trọng là làm thế nào các cơ quan chức năng kịp thời khống chế được sự lây lan này.

Lực lượng an ninh tuần tra tại chợ bán buôn hải sản ở Vũ Hán. Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh tuần tra tại chợ bán buôn hải sản ở Vũ Hán. Ảnh: AFP

Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây nhiễm, bao gồm đóng cửa các kết nối giao thông công cộng trong và ngoài Vũ Hán vào sáng thứ năm. Nhưng nhiều người dân Vũ Hán có thể đã rời khỏi nhà vào kỳ nghỉ năm mới, chính thức bắt đầu vào thứ sáu. 

Hàng trăm người mắc bệnh đã được xác nhận. Các bác sĩ ở Vũ Hán cho rằng viêm phổi Vũ Hán sẽ có thể gây ra tổng cộng 6.000 ca mắc bệnh, theo Caixin. Vào năm 2003, dịch SARS đã gây ra khoảng 8.000 ca mắc bệnh trên toàn thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu khá hơn từ một năm 2019 nhiều thử thách. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn có vẻ dễ bị tổn thương. Dấu hiệu phục hồi trong ngành công nghiệp và thị trường lao động vẫn chưa tác động đến tiền lương. Thu nhập bình quân đầu người thực tế chỉ tăng 5,8% trong năm 2019, mức tăng chậm nhất kể từ ít nhất là năm 2013.

Một lý do cho sự yếu kém trong lĩnh vực tiêu dùng là dịch tả heo châu Phi, đã đẩy giá thịt heo tăng phi mã. Trong những tháng gần đây, nông dân đã dần tái đàn nhiều hơn nên vấn đề bớt căng thẳng. Tuy nhiên, giờ thì sự yếu kém trong tiêu dùng lại có thể cần được giải cứu bởi mối đe dọa mới - viêm phổi Vũ Hán.

Đầu những năm 2000, chi tiêu tiêu dùng trung bình đóng góp 40-50% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Nhưng vào năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, tỷ lệ này giảm mạnh xuống còn 35%, mức thấp thứ hai kể từ thập niên 1970. Trong khi đó, cần lưu ý rằng, chi tiêu tiêu dùng hiện tại đóng góp đến khoảng 60% tăng trưởng.

Du lịch cũng quan trọng nhiều hơn đối với Trung Quốc so với năm 2003. Theo Commerzbank, du lịch và các ngành liên quan hiện chiếm khoảng 5% nền kinh tế Trung Quốc, tăng từ mức 2% của năm 2003.

Năm 2003, chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi sau nửa năm. Nhưng mức giảm ban đầu khi có dịch là rất lớn. Còn với tình hình viêm phổi Vũ Hán hiện tại, cổ phiếu các công ty du lịch và tiêu dùng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng lớn. Chứng chỉ lưu ký của Trip.com tại New York đã giảm gần 12% trong tuần này. Do vậy, đây có thể là một mùa xuân rất khó khăn cho ngành tiêu dùng của Trung Quốc và các cổ phiếu phụ thuộc vào nó.

Theo Phiên An (Vnexpress)

https://vnexpress.net/viem-phoi-vu-han-nguy-hiem-voi-kinh-te-trung-quoc-hon-sars-4046584.html