Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 2/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0331/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 02/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  2 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 2/2020

Tổng hợp trong tháng 2/2020, VCCI thống kê có 56 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến 21 bộ, ngành, địa phương(tăng 10 kiến nghị so với tháng 1/2020). Tính đến hết 29/2/2020, đã có 17 kiến nghị được trả lời, còn 39 kiến nghị chưa được trả lời, trong đó, số kiến nghị quá thời hạn trả lời là 21 chiếm khoảng 53,8%, còn lại 18 kiến nghị vẫn trong thời hạn nghiên cứu trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được 13 kiến nghị của doanh  nghiệp, là đơn vị nhận được kiến nghị nhiều nhất trong tháng. Nội dung cơ bản của các kiến nghị hầu như đều đề nghị hướng dẫn hoặc xử lý các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan: hướng dẫn áp dụng tăng giá hàng hóa khi đánh thuế nhập khẩu; phản ánh việc thay đổi cách lấy mẫu ảnh hưởng đến sự chậm trễ làm thủ tục và giao hàng; phản ánh việc mã HS, thuế VAT nhập khẩu cho mặt hàng mới không được nêu rõ trong các văn bản hiện hành; hướng dẫn việc nhà thầu phụ sử dụng danh mục miễn thuế của Chủ đầu tư; hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; phản ánh chất lượng hoạt động của trang nộp thuế điện tử, khó khăn trong việc khai hải quan, thực hiện thủ tục hải quan trong xuất khẩu khoáng sản…

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 12 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị như sau: cách thức xác định công việc nặng nhọc, độc hại trong công ty sản xuất bao bì carton; hướng dẫn thủ tục thuê đất nằm ngoài quy hoạch; hướng dẫn thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án đầu tư; hướng dẫn ký hợp đồng và ủy quyền cho chi nhánh; hướng dẫn thực hiện quy định của Giấy chứng nhận đầu tư, thời hạn thuê xưởng thực hiện dự án đầu tư; hướng dẫn thủ tục cấp phép hoạt động thương mại điện tử cho nhà dầu tư nước ngoài; hướng dẫn chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài; hướng dẫn việc đăng ký mã ngành 6420…

- Bộ Y tế nhận được 5 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: hướng dẫn cấp phép hoạt động phòng khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề; xác định danh mục thiết bị y tế đối với máy tăm nước; thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại cơ sở y tế; hướng dẫn đăng ký công việc sản phẩm phụ gia thực phẩm; thủ tục đăng ký công bố sản phẩm...

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được 4 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: Hướng dẫn quy định chứng minh nguồn gốc tiền mặt để nộp vào tài khoản của người nước ngoài ở Việt Nam; quyết toán gói thầu trong hợp đồng trọn gói; hướng dẫn về cơ cấu khoản nợ vay nước ngoài, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bênh Covid 19.

- Ủy ban nhân dân TP Hà Nội nhận được 3 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: đề nghị hướng dẫn hoàn thiện thủ tục nhà, đất tại số 289 đường Phạm Văn Đồng; đề nghị cho điều chỉnh dự án đầu tư; phản ánh việc chậm trả kết quả thủ tục hành chính …

- Các Bộ: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngoại giao; Xây dựng cũng nhận đều 2 kiến nghị của doanh nghiệp với các nội dung: Hướng dẫn về hàng thực phẩm không có trong danh mục phải kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý xung đột pháp luật trong cấp phép hoạt động thương mại điện tử áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài; công nhận giấy tờ tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án tại Việt Nam; hợp đồng khi trúng thầu dự án bảo trì công trình; quản lý chi phí đầu tư xây dựng …

Các Bộ: Giao thông Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Long An đều nhận được 1 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: Đề nghị mở rộng độ tuổi, đối tượng tham gia cuộc thi lái xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu Honda EMC; hướng áp dụng Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đề xuất các chức danh nghề, công việc người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; thủ tục ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đề nghị được giảm thuê đất hàng năm trong giai đoạn 2020 – 2024 cho công ty cổ phần cảng Đoạn Xá; tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp được thuê đất để thực hiện dự án trang trại trồng dứa, rau màu theo hướng công nghệ sinh thái tại Tiền Giang; phản ánh về việc về thái độ của các ban ngành tỉnh Bến Tre trong hỗ trợ doanh nghiệp;...

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Tình hình trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 2/2020:

Trong tháng 2/2020, VCCI nhận được 43 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 14 bộ, ngành, địa phương (tăng 24 văn bản so với tháng 1/2020). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Tình hình giải quyết các kiến nghị bộ, ngành, địa phương nhận được trong tháng 2/2020 cụ thể như bảng sau:

 

Trong tháng 2/2020, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông, Vận tải; Giáo dục và Đào tạo là các đơn vị trả lời kiến nghị đầy đủ, đúng hạn, không còn kiến nghị tồn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính mặc dù nhận được kiến nghị không nhiều hơn các tháng trước đây nhưng số lượng các kiến nghị được trả lời thấp, lượng kiến nghị chưa được trả lời cao. Các văn bản trả lời doanh nghiệp của hai bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) tuy nhiều, chiếm tới 25/43 văn bản trả lời trong tháng 2/2020 nhưng chủ yếu giải quyết các kiến nghị tồn của năm 2019 và kiến nghị tồn của tháng 1/2020. Theo dõi cho thấy trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020,  Bộ Kế hoach và Đầu tư trả lời kiến nghị không duy trì được tính kịp thời như năm 2019. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị chậm như: Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội…, trong đó Bộ Y tế chưa trả lời được bất kỳ kiến nghị nào của doanh nghiệp gửi đến trong tháng 2/2020 mặc dù đã hết hạn. Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết trong năm 2020:

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2020 đến hết 29/2/2020, còn 67 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ năm 2019 của các bộ, ngành, địa phương như:  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội ...

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 2/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

- Qua phản ảnh của cộng đồng doanh nghiệp, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động lớn đến khả năng chống chịu của doanh nghiệp, do tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để đảm bảo đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, du lịch và dịch vụ bị thu hẹp, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động thiếu việc làm,... Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Trước thực trạng này, VCCI đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp sau:

+ Về dài hạn, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, cần chú trọng khai thác tiềm năng thị trường nội địa, song song với đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị. Cụ thể, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” cần triển khai trong cộng đồng với nhiều hình thức mới, thu hút nhiều hơn tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường; chú trọng hơn việc xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; lựa chọn các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, thực sự đặt doanh nghiệp nhà nước trước áp lực của thị trường.

Năm nay là năm chúng ta đối phó với dịch bệnh, cũng là năm triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời là năm chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, vì thế, VCCI kiến nghị tiếp tục phát động một đợt sóng cải cách mới trong thể chế kinh tế mang tên “Chương trình nghị sự 25-20” cho năm 2020 với nội dung trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm 25 điểm chồng chéo trong pháp luật kinh doanh và đầu tư, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành. Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững, khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế.

+ Về ngắn hạn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương, quyết liệt, đồng thời phải cố gắng giảm được chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. VCCI kiến nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp đối phó với dịch cúm Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ ngành địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp...

Về phía các sở, ban, ngành, địa phương, cần tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt cho các ngành du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Song song với việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ ngắn hạn về tiền tệ, tài khóa, đây cũng là thời điểm thích hợp để thúc đẩy công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các quy định không sát với thực tế, cải cách điều kiện kinh doanh một cách quyết liệt, thực chất hơn, giảm số lượng các giấy phép con, thay đổi cách thức quản lý nhà nước thông qua tăng cường thực hiện kiểm tra hậu kiểm…

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng, VCCI đã chủ động triển khai nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng: Báo cáo nhanh trình Thủ tướng Chính phủ tình hình doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp giải cứu cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay; thực hiện nhanh nhất thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các chứng từ thương mại khác do VCCI cấp; hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về các thị trường, mặt hàng, quy tắc xuất xứ từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) giữa Việt Nam và các nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, tìm hiểu thị trường mới, khách hàng mới tái cơ cấu đầu vào, đa dạng hóa thị trường; triển khai chương trình phổ biến các FTAs và tư vấn cho doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết (có hiệu lực và sắp có hiệu lực), tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý… 

- Đóng góp ý kiến đối với một số dự thảo văn bản pháp luật như: Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp; Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Quyết định của Thủ tướng quy định lựa chọn, sử dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm, giải pháp trong các hệ thống thông tin để đảm bảo an toàn thông tin mạng; dự thảo Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2020-2030… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Tổng kết các hoạt động theo Kế hoạch PCI 2019, tiếp tục phối hợp với Quỹ châu Á (ATF) thực hiện Nghiên cứu “Đánh giá tổng quan về khả năng chống chịu của doanh nghiệp” lồng ghép trong khảo sát PCI; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai đánh giá về thủ tục cấp phép xây dựng tại các địa phương lồng ghép trong khảo sát PCI…; tổng kết công tác tư vấn thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, Ngành và Địa phương thuộc tỉnh (DDCI) tại Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…

2. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

VCCI tiếp tục thực hiện các công tác thường xuyên về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập:

- Tổ chức buổi làm việc giữa Chủ tịch VCCI với TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam. Cuộc gặp giữa hai bên nhằm trao đổi về tình hình hợp tác của VCCI và ILO cũng như trao đổi những thuận lợi, khó khăn, một số ưu tiên của VCCI để hỗ trợ công đồng doanh nghiệp trong năm 2020 nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 với nhiều nội dung mới thách thức doanh nghiệp. Trong năm 2020, VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình để nâng cao “sức khỏe” của doanh nghiệp, đặc biệt về năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, ưu tiên thực hành lao động có trách nhiệm cho doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cho người lao động cho khu vực doanh nghiệp cũng như người lao động trong khu vực phi chính thức. Tại buổi làm việc, lãnh đạo VCCI và ILO tiếp tục khẳng định sự hợp tác của hai tổ chức đã và đang mang lại hiệu ứng lan toả tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, các đối tác ba bên nói chung.

- Lãnh đạo VCCI làm việc với Đại sứ Phần Lan và đại diện Quỹ Đổi mới Phần Lan (SITRA) về việc phối hợp tổ chức hội nghị chuyên sâu về kinh tế tuần hoàn trong khu vực ASEAN trong năm 2020. Các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN đang đứng trước cơ hội và thách thức trong việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc áp dụng thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

- Làm việc với các chuyên gia của Bộ Lao động, thương binh & xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài để điều chỉnh Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI), chuẩn bị cho việc xếp hạng 100 doanh nghiệp bền vững năm 2020. Bên cạnh những nội dung sẵn có, Bộ chỉ số CSI năm 2020 sẽ được cập nhật và bổ sung các nội dung quan trọng như bình đẳng giới, duy trì đa dạng sinh học…

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như Hội thảo về ngăn ngừa gian lận về xuất xứ; Hội thảo tham vấn về nhu cầu đạo tạo của các doanh nghiệp do nữ làm chủ…; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về “Hạn chế tranh chấp, giảm thiểu rủi do trong quá trình thực hiện Hợp đồng thương mại quốc tế và cập nhật những thay đổi trong Incoterms 2020”, “Lập báo cáo quyết toán, kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan – Cập nhập một số quy định mới về lĩnh vực hải quan”…

- Tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, chuẩn bị công tác chấm điểm và tổ chức lễ trao giải.

- Tổ chức một số hoạt động khác: Họp trực tuyến Đại Hội đồng Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới; làm việc với Bộ Công Thương về công tác hội nhập kinh tế quốc tế và cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá….

- Tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế: Đại sứ Canada, Đại sứ Kazakhstan, Đại sứ Phần Lan, Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Quốc – Việt Nam, Đại sứ Ireland, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội DN Châu Âu, Thương vụ Chi Lê…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 - Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 02/2020 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Ngân Hàng nhà nước Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Xây dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Gao thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Nội vụ (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của Bộ Ngoại giao (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của UBND Thành phố Hà nội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 02/2020 của UBND Thành phố Hải phòng (Tải về)