Dự án PPP: Nhà nước không thể 'bao sân' hết các rủi ro

Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, nếu không tính toán cẩn thận, đây có thể trở thành gánh nợ của quốc gia.

Nếu cứ giảm doanh thu là chia sẻ thì sẽ nguy hiểm

Hiện tại, dự thảo Luật quy định cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu theo hướng điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế không như doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng trong một số trường hợp và đáp ứng điều kiện theo quy định. Đối với một số dự án trọng điểm, trường hợp sau khi đã thực hiện cơ chế trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết thì Chính phủ và nhà đầu tư cam kết chia sẻ phần giảm thu và phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Tại phiên họp, đây là một vấn đề mà nhiều thành viên UBTVQH băn khoăn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mặc dù đồng tình theo hướng có chia sẻ rủi ro, nhưng việc chia sẻ rủi ro về doanh thu không phù hợp với cơ chế thị trường bởi đã theo cơ chế thị trường phải chấp nhận có rủi ro. “Nếu cứ giảm doanh thu là chia sẻ thì sẽ nguy hiểm, không cẩn thận ta thành con nợ. Nhất là ở khâu dự toán, nếu rộng tay một chút thì sau này là sẽ khó khăn cho ngân sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Theo quan điểm của ông, nên chăng chỉ chia sẻ rủi ro khi thua lỗ, mất vốn chứ không nên chia sẻ khi doanh thu giảm, bởi điều này gây rủi ro lâu dài cho ngân sách quốc gia, nhất là khi các dự án PPP được thực hiện nhiều.

Còn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải, khi đã thực hiện đầu tư thì đã phải lường trước những rủi ro nhất định. Nhà nước có trách nhiệm trong phạm vi của mình song cũng không thể “bao sân” hết với các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng rất băn khoăn về quy định chia sẻ rủi ro khi doanh thu giảm và cho rằng chỉ nên xem xét khi xảy ra rủi ro do thiên tai, các tình huống bất khả kháng…

Kiểm toán nhà nước khó tham gia khi chưa ký hợp đồng

Một vấn đề khác cũng được các thành viên UBTVQH góp ý là về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong dự án PPP. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật đã trình về việc KTNN chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên KTNN phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, bản chất là dự án PPP nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút nguồn vốn tư nhân cho các dự án PPP. Nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật KTNN. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, KTNN chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp.

Do đó, dự thảo dự kiến tiếp thu, bổ sung quy định về KTNN thực hiện ở hai giai đoạn. Trước khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật KTNN về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Sau khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán theo pháp luật KTNN đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.

Góp ý về nội dung này, các ý kiến đồng tình quan điểm dự án PPP sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho Nhà nước nên đây cũng là tài sản công, do đó sự tham gia của KTNN là bắt buộc. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu băn khoăn việc KTNN tham gia từ trước khi ký hợp đồng là chưa có trong thông lệ quốc tế và cũng chưa từng có từ trước đến nay. Để quy định vấn đề này trong dự thảo Luật cần phải làm rõ tính khả thi, tính phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như phù hợp các quy định khác, cụ thể là Luật KTNN.

Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, khi chưa ký kết hợp đồng thì đây là trách nhiệm của cơ quan phê duyệt, cơ quan thẩm định hơn là cơ quan kiểm toán. KTNN chỉ kiểm toán khi có nghiệp vụ phát sinh, chứ không phải khi chưa ký hợp đồng, chưa thực hiện gì. Trong khi Luật KTNN cũng quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.

Bên cạnh vai trò của KTNN đối với dự án PPP, dự thảo cũng đã xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP, quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Theo cơ quan soạn thảo, đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý, với nhiều dự án PPP là những công trình hiện đại, quy mô lớn, thì việc giám sát cộng đồng của người dân là không đơn giản, rất khó khả thi. Do đó cần có diễn giải, quy định sao cho phù hợp, để vừa đảm bảo thu hút vốn đầu tư, vừa đảm bảo tính hiệu quả, lợi ích của dự án.

Theo H.Y(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-03-25/du-an-ppp-nha-nuoc-khong-the-bao-san-het-cac-rui-ro-84337.aspx