Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, phá hủy nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen u ám lên nền kinh tế thế giới và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa cả những "gã khổng lồ" kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức...

dai dich covid-19 khien chuoi cung ung dut gay, pha huy nen kinh te hinh 1
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Xiangtan (Trung Quốc) vào tháng 3/2020. (Ảnh: Xinhua)

Hoạt động của các sân bay, nhà máy và cửa hàng đều chậm lại hoặc đóng cửa vì đại dịch do virus corona chủng mới gây ra, tạo ra thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng quốc tế - đặc điểm chỉ rõ nhất tính chất của thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Quy trình sản xuất đa nhà máy - thường là qua nhiều quốc gia - được thịnh hành tại các công ty trên khắp thế giới, và hiện đang tỏ ra yếu ớt, dễ đứt gãy hơn dự đoán.

Nếu virus và các mảnh vụn kinh tế đổ nát mà nó gây ra không được kiềm chế sớm, việt quất và quả bơ không chỉ là những thứ duy nhất biến mất khỏi kệ hàng trong các siêu thị ở vùng Trung tây và Đông Bắc Mỹ. Ô tô, quần áo, đồ điện tử và thuốc men cơ bản sẽ trở nên thiếu thốn khi các nhà máy ở xa mất kết nối với nhau.
Sự sụp đổ của chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy những lời kêu gọi đưa việc sản xuất các nguồn cung cấp y tế và công nghệ quan trọng trở lại Mỹ - một động thái làm đứt quan hệ thương mại quốc tế và tổn hại đến tiến trình toàn cầu hoá. Tuy nhiên, quay trở lại các nguồn lực trong nước (reshoring) sẽ mang lại nhiều vấn đề hơn là khắc phục trong ngắn hạn và trung hạn, và về lâu dài sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ giảm sức cạnh tranh.
Thay vì từ bỏ những chuỗi cung ứng toàn cầu, chính phủ và các công ty nên tập trung vào việc làm cho chúng trở nên dư thừa hơn (redundancy). Nhiều nhà cung cấp và nhiều hàng tồn kho hơn có thể làm cho quy trình sản xuất toàn cầu trở nên kém hiệu quả hơn một chút, nhưng những khoản dự phòng này sẽ làm tăng độ tin cậy và khả năng phục hồi, mang lại lợi ích cho các quốc gia, công ty và người tiêu dùng.
 

Trong 4 thập kỷ qua, bản chất của thương mại đã thay đổi hoàn toàn. Trong nhiều thế kỷ, các quốc gia chủ yếu gửi hàng thành phẩm ra nước ngoài: dầu ô liu từ Italy, rượu từ Tây Ban Nha, lông thú từ Canada; và sau đó là xe hơi từ Đức, máy may, máy in, và máy tính tiền từ Mỹ. Còn hiện nay, các quốc gia chủ yếu gửi các bộ phận hoặc linh kiện ra nước ngoài để uốn, hàn, chèn hoặc khâu lại với nhau trong các nhà máy và phân xưởng nước ngoài.

 Việc phân chia sản xuất thành các bước riêng biệt trở nên khả thi nhờ những tiến bộ trong giao thông vận tải, công nghệ và truyền thông, cũng như độ mở cửa thị trường thế giới. Chi phí vận chuyển giảm mạnh khi các container tiêu chuẩn tăng nhanh chóng. Cáp quang, điện thoại di động, internet, điện toán đám mây, dịch vụ gọi băng thông rộng và hội nghị trực tuyến gần như miễn phí cho phép mọi người cộng tác, chia sẻ các tập tin, tài liệu và ý tưởng, ngay cả khi họ ở rất xa về mặt địa lý.

Sự đồng thuận thương mại tự do rộng lớn xuất hiện sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh (Cold War) đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang sản xuất toàn cầu, thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù có vai trò to lớn trong việc thiết lập trật tự quốc tế mở này, Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận sự đồng thuận thương mại tự do. Họ duy trì hạn ngạch đối với mặt hàng đường và cá ngừ; thuế quan đối với thép, nhôm, giày và thuốc lá; và trợ cấp cho tất cả các loại nông sản. Mặc dù vậy, Mỹ cũng đã phụ thuộc lớn vào các liên kết thương mại toàn cầu. Khoảng 1/3 xuất khẩu của Mỹ là các bộ phận, linh kiện của các sản phẩm khác, được sản xuất bên ngoài nước Mỹ như: bông, thép, chất bán dẫn, động cơ và máy móc lắp ráp...

Người tiêu dùng Mỹ cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ xa cho các sản phẩm họ mua hàng ngày, được hưởng giá thấp hơn vì trao đổi quốc tế đã làm cho các mặt hàng này sản xuất hiệu quả hơn. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics), một hộ gia đình trung bình ở Mỹ tiết kiệm 10.000 USD mỗi năm nhờ thương mại quốc tế.
 
Đã có những đề xuất về tiêu dùng nội địa, định hình lại các công nghệ và sản phẩm tiên tiến, chẳng hạn như robot, bộ vi xử lý và xe điện. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, những cách tiếp cận này thậm chí còn gây ra nhiều rủi ro hơn cho sản xuất, bởi vì việc tái tạo lại chuỗi cung ứng đáng tin cậy rất khó khăn.
Apple học được bài học đắt giá này khi họ cố gắng sản xuất MacBook Pro ở Texas vào năm 2013. Toàn bộ liên doanh đã thất bại vì không thể tìm nổi một loại ốc vít sản xuất trong nước mà họ cần.
Về lâu dài, việc tháo dỡ chuỗi cung ứng quốc tế sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ giảm sức cạnh tranh và làm giảm lợi thế công nghệ toàn cầu của họ. Người mua và nhà cung cấp vẫn nhìn thấy thuận lợi, ưu điếm của nước ngoài khi so sánh với trong nước. Mang tất cả mọi hoạt động sản xuất về nội địa có nguy cơ làm tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm của Mỹ đối với 95% người tiêu dùng trên thế giới, những người sống bên ngoài biên giới Mỹ./.
 Theo Trần Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/dai-dich-covid19-khien-chuoi-cung-ung-dut-gay-pha-huy-nen-kinh-te-1032921.vov