'Sân bay ma' khai trương giữa mùa dịch

Udo Haase là cựu thị trưởng Schönefeld - nơi sân bay Berlin Brandenburg nằm im lìm gần một thập kỷ. Ông cho biết thời điểm công trình này bắt đầu hoạt động (dự kiến vào tháng 10) sẽ là chương cuối cho "lịch sử bi hài" của nó. "Những năm qua, tôi đã nhận 8 - 9 lời mời khai trương sân bay rồi", Haase nói. Ông đã dành phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ 3 thập kỷ của mình để giúp sân bay này hoạt động, từ việc di dời nhiều ngôi làng đến thiết kế cơ sở hạ tầng để tránh ách tắc.

Cuối năm ngoái, ông nghỉ hưu sau khi không thể hoàn thành mục tiêu cắt băng khánh thành nhà ga. Buổi tiệc chia tay ông thậm chí được tổ chức tại các sảnh trống trơn của chính sân bay này. Các tòa nhà ở đây hoang vắng lâu đến nỗi Berlin Brandenburg thường xuyên bị coi là sân bay ma.

Quầy làm thủ tục tại sân bay Berlin Brandenburg hồi tháng 3. Ảnh: Zuma Press

Ý tưởng xây một sân bay mới cho Berlin xuất hiện ngay sau khi nước Đức thống nhất năm 1990. Khi đó, kinh tế Berlin khá trì trệ. Tuy nhiên, quá trình lên kế hoạch và xây dựng sân bay này có nhiều sự cố, chậm tiến độ và hủy khai trương nhiều đến mức có thể trở thành một tình huống điển hình, làm ảnh hưởng danh tiếng của Đức về mảng kỹ thuật.

Martin Delius - người chịu trách nhiệm 2 cuộc điều tra của quốc hội giai đoạn 2012 - 2016 về sân bay này cho biết ngay từ đầu, việc lên kế hoạch đã gặp rắc rối. Khi cấu trúc của tòa nhà chính hoàn tất năm 2009, kế hoạch vẫn liên tục thay đổi và việc xây dựng vẫn được tiến hành mà không có bản phác thảo tổng thể.

"Lẽ ra khi đó, những người chịu trách nhiệm nên dừng việc xây dựng lại. Họ sẽ không gặp những vấn đề phải mất hàng năm mới khắc phục được", ông nói.

Sân bay ban đầu dự kiến mở cửa năm 2011. Năm 2012, sau 8 tháng chậm tiến độ, họ lại phát hiện hệ thống an toàn cháy nổ gặp vấn đề. Sự kiện khai trương "sân bay hiện đại nhất châu Âu", với giấy mời, cốc kỷ niệm và biển quảng cáo đặt khắp thành phố, bị hủy bỏ.

Những cuộc kiểm tra sau đó còn phát hiện hàng nghìn sai sót khác, khiến sân bay mất thêm 8 năm nữa để xử lý. Hệ thống dây điện tại đây thiếu thẩm mỹ đến nỗi một tờ báo Đức gọi đây là Spaghetti Berlin. Hệ thống hút khói thì không hoạt động, cabin thang máy quá hẹp và cửa tự động không tự mở. Một cựu quản lý kỹ thuật của sân bay còn bị kết án 3,5 năm tù vì nhận hối lộ từ một nhà thầu.

Nhà ga chính tại sân bay tháng 11/2019. Ảnh: Zuma Press

Nhà ga chính tại sân bay tháng 11/2019. Ảnh: Zuma Press

Đức cũng có nhiều công trình công cộng gặp rắc rối, nhưng ít nơi đạt đến mức độ như sân bay này. Năm 2018, Thủ tướng Đức Angela Merkel phàn nàn rằng sân bay làm xấu hình ảnh nước Đức. Bà nói "Người Trung Quốc không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Berlin khiến họ không thể xây một sân bay chỉ có hai đường băng".

Cách đây 3 năm, Engelbert Lütke Daldrup được chọn làm CEO Flughafen Berlin Brandenburg - công ty điều hành sân bay - để hoàn thành dự án này. Lütke Daldrup mô tả công việc của ông khi nhận nhiệm vụ là "dọn dẹp hiện trường". Ông đã phân tích tất cả những việc còn lại cần làm và liên tục kiểm tra quá trình. Ông tập trung vào những gì cần thiết, như vượt qua các cuộc kiểm tra an toàn, hơn là đưa vào các công nghệ mới nhất.  

Vì thế, sân bay có nhiều thiết kế khá cổ điển. Như hàng ghế chờ không có nơi cắm sạc điện thoại. Hay ở sảnh không có máy để tự làm thủ tục.

Sân bay khai trương trong bối cảnh các hãng bay tìm cách kéo khách hàng trở lại sau đại dịch. Các lãnh đạo trong ngành ước tính quá trình này có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới quay về mức tiền khủng hoảng.

Dù vậy, Lütke Daldrup không quá lo lắng về việc này. Các lãnh đạo sân bay cho biết đại dịch hiện tại thậm chí vẫn có lợi với họ. "Chúng tôi sẽ không phải mở cửa hoạt động hết công suất", Lütke Daldrup cho biết.

Lưu lượng hành khách thấp sẽ giúp các nhân viên chuyển dần từ hai sân bay nhỏ hơn của Berlin là Tegel và Schönefeld sang nhà ga chính tại đây. Khởi đầu với quy mô nhỏ cũng đồng nghĩa họ sẽ ít phải thực hiện các bài kiểm tra trước khai trương hơn.

Sau nhiều năm, Lütke Daldrup tự tin rằng công nghệ của sân bay sẽ vượt qua cuộc kiểm định này. "Gần như chẳng có tòa nhà nào trên thế giới được kiểm nghiệm và điều tra kỹ thế này đâu", ông nói.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh không sân bay nào được mở tại Đức trong 30 năm qua, lãnh đạo Berlin Brandenburg nói đây vẫn là sân bay hiện đại nhất nước này. Một điểm cộng nữa là mối lo sân bay có diện tích quá nhỏ trong bối cảnh hàng không tăng trưởng mạnh suốt thập kỷ qua giờ hoàn toàn không còn là vấn đề nữa.

Nhà ga số hai, khởi công năm 2018 và dự kiến hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 10 năm nay, có lẽ sẽ chẳng phải dùng đến trong vài năm tới, Lütke Daldrup cho biết.

Theo Hà Thu(Vnexpress)

https://vnexpress.net/san-bay-ma-khai-truong-giua-mua-dich-4102837.html