Hàng trăm công nhân xây cầu bị nợ lương, bảo hiểm: Công đoàn GTVT lên tiếng

Nguyên nhân do nợ đọng xây dựng kéo dài

Trong bài viết trước, báo Lao Động đã phản ánh tình trạng một số công ty con hoặc có cổ phần của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) nợ BHXH tính đến tháng 4.2020 là gần 87 tỉ đồng. Trong đó, nhức nhối nhất là Công ty Cổ phần Cầu 12 (463 Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) với hơn 26 tỉ đồng nợ BHXH, hiện hơn 100 công nhân của công ty này phải tự xin nghỉ để tìm công việc mới mưu sinh.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Lao Động đã có trao đổi với ông Quách Xuân Vinh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Việt Nam.

 
 Bức ảnh kỷ niệm của cựu công nhân Nguyễn Văn Tuân (Cty cổ phần Cầu 12) được chụp lại năm 1998 khi tham gia xây dựng cầu Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo ông Vinh, trong suốt thời gian vừa qua, Công đoàn GTVT Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp xuống đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời nắm tình hình về việc làm, đời sống và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, trong đó có Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).  

Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp thuộc Cienco1 tình hình tài chính rất khó khăn, việc làm lại không ổn định nên để xảy ra nợ đọng tiền lương, nợ tiền đóng BHXH kéo dài của người lao động, (tổng số nợ BHXH trên 100 tỉ đồng) chậm giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn như Xí nghiệp Cầu 17, Xí nghiệp Cầu 18, Công ty xây dựng 123, Công ty Cổ phần Cầu 12, Công ty Cổ phần Cầu 14, Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng 121...

Theo ông Quách Xuân Vinh, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này của doanh nghiệp do thiếu vốn, thiếu việc làm, quản lý yếu, do nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài (hiện Nhà nước, các chủ đầu tư đang nợ tại các dự án do Tổng công ty XDCT giao thông 1 thi công khoảng trên một ngàn tỷ đồng, nhiều công trình đã hoàn thành được 6-10 năm nhưng chưa được thanh toán).

Đồng thời, Nhà nước, chủ đầu tư nợ nhà thầu, nhà thầu nợ nhà thầu phụ; người lao động ở các doanh nghiệp bị nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền và lợi ích của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng.

Đề nghị sớm giải quyết nợ đọng cho doanh nghiệp

Theo ông Quách Xuân Vinh, từ những diễn biến trên, Công đoàn GTVT Việt Nam đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành trong giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ cử chuyên gia tư vấn pháp luật hướng dẫn công đoàn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.   

Nghỉ việc tại Cty cổ phần Cầu 12, hiện anh Nguyễn Văn Tuân, Phạm Quang Cường, Phạm Tiến Hoan (từ phải qua) đang làm bảo vệ cho một công trình xây dựng ở Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trần Tuấn
Nghỉ việc tại Cty cổ phần Cầu 12, hiện ông Nguyễn Văn Tuân, Phạm Quang Cường, Phạm Tiến Hoan (từ phải qua) đang làm bảo vệ cho một công trình xây dựng ở Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Trần Tuấn

Đồng thời hướng dẫn, trợ giúp các thủ tục pháp lý để công đoàn cơ sở đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án về hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.