Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0724/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  4 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 4/2020

Tổng hợp trong tháng 4/2020, VCCI thống kê có 154 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến 15 bộ, ngành, địa phương (tăng 146 kiến nghị so với tháng 3/2020). Nguyên nhân kiến nghị doanh nghiệp tăng nhiều trong tháng này do doanh nghiệp phản ánh khó khăn vướng mắc dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và phục vụ hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 9/5/2020.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 và chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời từ ngày tháng 1/2020 được trình bày ở Phụ lục 4 gửi kèm báo cáo.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong tháng 4 chủ yếu đề xuất Chính phủ và 15 Bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh và  kiến nghị đề nghị hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Qua theo dõi cho thấy:  Bộ Tài chính nhận được 46 kiến nghị, là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị nhất trong tháng sau đó đến Ngân hàng Nhà nước nhận được 29 kiến nghị, Bộ Lao động Thương binh Xã hội nhận được 17 kiến nghị, Bộ Công thương nhận được 11 kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải nhận được 10 kiến nghị, Bộ Thông tin truyền thông nhận được 8 kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 5 kiến nghị của doanh  nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, còn lại là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ y tế, Bộ tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ và UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Bến Tre….. Nội dung cơ bản của các kiến nghị hầu như đều đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giãn nộp thuế để vượt qua khó khăn trong đại dịch CoViD-19 trong lĩnh vực vận tải, bất động sản..; gia hạn thời hạn nội thuế và tiền thuê đất; sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ  Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do bị khống chế tổng mức lãi vay theo dự thảo sửa đổi Nghị định; sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%. Còn lại các Bộ, ngành, địa phương nhận được các kiến nghị chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của dịch CoVid – 19 như: Giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020; khoanh nợ cũ, cho vay mới, hỗ trợ lãi suất ở mức thấp nhất từ các ngân hàng chính sách để trả 50% mức lương tối thiểu vùng cho người lao động; gia hạn thời gian nộp phí công đoàn; áp dụng giá nhiện liệu theo giá tạm nhập tái xuất cho cả hai tuyến vận chuyển bằng đường biển, đường thủy hoặc bỏ phí bảo vệ môi trường, thuế VAT đối với doanh nghiệp vận tải; giảm các chi phí dịch vụ tại cảng cho các lô hàng xuất nhập khẩu; miễn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động; hướng dẫn thủ tục, quy trình hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ….

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Tình hình trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 4/2020:

Trong tháng 4/2020, VCCI nhận được 13 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 9 bộ, ngành, địa phương (giảm 5 kiến nghị so với tháng 3). Nguyên nhân giảm do trong tháng 4 các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do bị ảnh hưởng do dịch CoviD-19.  Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Kết quả trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương kịp thời, sát với yêu cầu của Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Nhìn chung các kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn quy định của pháp luật từ các tháng trước nên các Bộ, ngành cần phải có thời gian nghiên cứu tháng này trả lời, có 01 trả lời  kiến nghị của UBND tỉnh Bến Tre trả lời Công ty TNHH Dừa Thiên do bà Dương Thị Ánh làm Giám đốc (xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) chưa được thỏa đáng từ tháng 3 do vậy doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị. Còn lại các trả lời kiến nghị liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết trong quý 1/2020:

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2020 đến hết 30/4/2020, còn 48 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương như:  Bộ Kế hoạch Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Xây dựng; UBND TP Hà Nội ...

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 4/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh; Đề án " Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam"…

- Phối hợp với Tổng cục Hải quan (TCHQ) và dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID (TFP) triển khai Khảo sát “Đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”.

- Hoàn thành 03 chuyên đề: “Tác động của dịch cúm Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”; “Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới”; “Thực trạng thu hút vốn FDI ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra”.

- Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Vấn đề quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp; dự thảo Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in; Nghị định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá; Thông tư quy định về lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản; Thông tư sửa đổi Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Thực hiện 02 cuộc khảo sát về những khó khăn vướng mắc và động thái phát triển của doanh nghiệp phục vụ hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

- Thực hiện cuộc khảo sát các doanh nghiệp vùng Duyên hải miền Trung nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh mạch hoạt động tài chính; Khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Đông Nam Bộ trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thông qua tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Khảo sát các doanh nghiệp thuộc khu vực Bắc Trung bộ để phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các biện pháp tăng cường khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng góp phần phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến và truyền hình trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế để vượt qua dịch bệnh”, VCCI đã chuẩn bị Báo cáo về tình hình hoạt động và kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trình bày tại Hội nghị quan trọng này. Báo cáo tập hợp 9 nhóm kiến nghị với gần 100 kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh, đóng góp vào giai đoạn tái khởi động nền kinh tế.

-Tổ chức 02 hội nghị trực tuyến Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam nhằm tiếp tục thu thập ý kiến, đề xuất từ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam chủ trì hội nghị với sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện các Hiệp hội trong cả nước. Hội nghị diễn ra nhằm tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cùng với các Hiệp hội triển khai nền tảng trực tuyến chung để phối hợp hoạt động và thực hiện các chương trình khảo sát doanh nghiệp trong từng địa phương, từng ngành hàng và trên phạm vi cả nước. Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội trong cả nước đã chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đã gặp trong mấy tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bàn giải pháp để hỗ trợ hội viên vượt qua khủng hoảng trong thời gian tới. Nhìn chung, các ý kiến nhận định đa số doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, trừ một số lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như vệ sinh công nghiệp, thiết bị y tế…Các đại biểu cũng nhấn mạnh giải pháp trước mắt là doanh nghiệp phải tự nỗ lực cứu mình, đồng thời phát huy vai trò của Hiệp hội trong việc ưu tiên dùng hàng hoá của nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những giải pháp để nhanh chóng tiếp cận, tận dụng những gói cứu trợ của Chính phủ sao cho hiệu quả nhất.

Tiếp tục thực hiện các công tác thường xuyên về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập:

- Triển khai Đề án xây dựng Bộ chỉ số “Sức khỏe doanh nghiệp”: thực hiện Khảo sát trực tuyến về động thái doanh nghiệp Việt Nam (Vbis 2020).

- Phối hợp với Hiệp hội Logistic (VLA) xây dựng kế hoạch triển khai chỉ số logistic cấp tỉnh của Việt Nam.

- Hoàn thiện Cẩm nang Hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp; Cẩm nang Hướng dẫn doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, Green book về PPP.

- Xây dựng Đề án “Nhân rộng Bộ chỉ số CSI giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030”.

- Tiếp tục làm việc với các đối tác Mạng lưới ASEAN về phát triển bền vững (CSR-ASEAN network), Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai Sáng kiến Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) giai đoạn mới…

- Tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Anh và Tổ chức UNDP về kế hoạch triển khai Chương trình thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh năm 2020.

- Phối hợp với VNPT triển khai dự án Khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam.

- Xây dựng Đề án hỗ trợ pháp lý cho DNNVV khu vực Miền Trung và Tây nguyên giai đoạn 2021-2026.

- Tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”, chuẩn bị công tác chấm điểm và tổ chức lễ trao giải.

- Tổ chức một số hội nghị, hội thảo trực tuyến, hoạt động đào tạo online theo chuyên đề: Hội nghị giữa VBA và Hội đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Tp.HCM về giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19; Toạ đàm “Cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP”; tổ chức 02 khóa đào tạo trực tuyến “Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng Cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh” cho các doanh nghiệp tại Đà Nẵng…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Nơi nhận :

Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 4/2020 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Bộ Quốc phòng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Ngân Hàng nhà nước (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của UBND Thành Phố Hà nội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của UBND Tỉnh Bến Tre (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 4/2020 của UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu (Tải về)