Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước cạnh tranh khốc liệt

ban le
Khi EVFTA được thực thi, các DN EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Ảnh: T.U

Cơ hội lắm, thách thức nhiều

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và trong thời gian qua làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ, khiến cho cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Đáng chú ý, "khi Hiệp định EVFTA được thực thi, với những cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối…các DN EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam. EVFTA sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước”,  ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết.

Dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, theo thống kê, Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipin là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Còn theo các chuyên gia, việc mở cửa thị trường trong nước sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Đồng thời, thị trường trong nước có cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lý thương mại hiện đại từ các nước EU… Khi đó, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ sẽ được hiện đại hóa và DN, người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU.

Bên cạnh đó, bản thân các DN phân phối nước ta cũng sẽ được tổ chức cung ứng những nguồn hàng chất lượng cao hơn được nhập khẩu từ các nước thành viên của EU, từ đó có thể nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước.

Về câu chuyện này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội nhận định, khi thực thi EVFTA, thương mại trong nước sẽ được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, sự thâm nhập mạnh mẽ của các “người khổng lồ” nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa bởi nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần. “Nhất là khi phần lớn DN nước ta có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Thực tế, cho đến nay, chỉ có một số ít DN lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, BRG Retail…gây dựng được thương hiệu, đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam”, đại diện Vụ Thị trường trong nước đánh giá.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, hiện nay đại bộ phận DN hoạt động trong bản lẻ là siêu nhỏ với sự hạn chế về vốn, hạ tầng kinh doanh cơ bản, công nghệ quản lý, khả năng kết nối thị trường... Trong khi đó, vào EVFTA là nước ta phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác nội nhóm, tức là sẽ không còn khái niệm “sân nhà”. Các DN phân phối lớn đến từ EU có tiềm lực rất mạnh nên DN phân phối trong nước rất dễ bị thâu tóm.

Trong khi các DN trong nước có nhu cầu về vốn rất lớn cũng như kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối nên sẽ sẵn sàng mời đối tác có cùng ngành nghề cùng đầu tư, phát triển một cách nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi...thì các DN sẽ từng bước thâm nhập thị trường mới, chiếm lĩnh và thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới phân phối của mình vào thị trường mới. Có thể thấy, M&A là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có của các DN trong nước.

Để DN nội địa không bị “người khổng lồ” thâu tóm

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, không chỉ DN phân phối của Việt Nam gặp nhiều thách thức khi EVFTA được thực thi mà áp lực còn gia tăng đối với hệ thống chính sách, pháp luật do không theo kịp biến động của thị trường. Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ việc cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý đối với thương mại điện tử có sự chênh lệch với các nước, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa…

Đối với dịch vụ phân phối, Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra quyết định kịp thời để phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thị trường trong nước nói chung. Song song với đó, xây dựng các biện pháp bảo vệ DN bán lẻ nội địa, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN nước ngoài, không để họ có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn DN nội địa.

Còn đối với DN, trước sức ép của hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết mở cửa thị trường nội địa theo nội dung các FTA như CPTPP và sắp tới là EVFTA, DN cần thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ này.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ EVFTA, các DN phân phối, bán lẻ cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA. Đồng thời, chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước...

DN nên tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị; liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội, DN phải tăng cường quản trị chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến. “DN phải chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu DN”, ông Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Đông, DN cần hướng đến việc tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống…/.

Theo Tố Uyên(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-06-09/doanh-nghiep-ban-le-dung-truoc-canh-tranh-khoc-liet-87911.aspx