Triều Tiên sẽ đưa quân quay lại biên giới với Hàn Quốc

Thông báo được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đăng tải một ngày sau khi Triều Tiên giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở Kaesong.

Văn phòng Liên lạc chung Liên Triều được xây dựng tại khu công nghiệp Kaesong theo Tuyên bố Panmunjom được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký với  Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4/2018. Văn phòng này đóng vai trò như đại sứ quán hai nước, đồng thời cung cấp kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Các quân nhân Triều Tiên tại đồi Mansudae ở Bình Nhưỡng hồi năm 2017. Ảnh: AP.
 Các quân nhân Triều Tiên tại đồi Mansudae ở Bình Nhưỡng hồi năm 2017. Ảnh: AP.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 15/6 đề nghị cử cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon làm đặc phái viên trao đổi với Triều Tiên. Tuy nhiên, Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã "thẳng thừng từ chối", theo KCNA.

Tổng thống Moon "rất muốn cử các đặc phải viên giúp 'giải quyết khủng hoảng' và thường xuyên đưa ra những đề xuất phi lý, nhưng ông ấy phải hiểu rằng những mánh khóe như vậy không có tác dụng với chúng tôi", KCNA cho biết. "Không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vốn bắt nguồn từ sự kém cỏi và thiếu trách nhiệm của chính quyền Hàn Quốc. Nó chỉ có thể chấm dứt khi một cái giá phù hợp được trả đủ".

Văn phòng Tổng thống Moon chưa đưa ra bình luận.

Trong một thông báo khác cùng ngày từ KCNA, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Quân đội Triều Tiên cho hay họ sẽ điều binh sĩ tới núi Kumgang và Kaesong gần biên giới, nơi Seoul và Bình Nhưỡng từng có các dự án kinh tế chung trong quá khứ. Các trạm gác từng được rút khỏi Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) nay sẽ được dựng lại. Bên cạnh đó, các đơn vị pháo binh Triều Tiên bố trí gần biên giới trên biển phía tây sẽ được củng cố với mức độ sẵn sàng nâng lên "nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu mức cao nhất". Triều Tiên cũng bắt đầu nối lại hoạt động gửi truyền đơn chống Hàn Quốc qua biên giới.

Quan hệ giữa hai miền bán đảo xấu đi kể từ khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng gần như cắt đứt liên lạc với Seoul sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm ngoái.

Từ đầu tháng 6, Triều Tiên liên tục chỉ trích Hàn Quốc vì không ngăn chặn các nhà hoạt động thả truyền đơn qua biên giới. Bình Nhưỡng sau đó ra một loạt các tuyên bố phản đối, trong khi hãng thông tấn nhà nước KCNA mô tả việc phát tán truyền đơn là "hành động tấn công phủ đầu trước chiến tranh".

Theo Vũ Hoàng(Vnexpress)

https://vnexpress.net/trieu-tien-se-dua-quan-quay-lai-bien-gioi-voi-han-quoc-4116708.html