Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 0826/PTM – VP

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  5 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 5/2020

Trong tháng 5/2020, VCCI tổng hợp,  thống kê có 25 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến 14 bộ, ngành, địa phương. Các kiến nghị trong tháng này vẫn chủ yếu liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Mỗi kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương cùng một thời điểm.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 và chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời trong tháng 5/2020 được trình bày ở Phụ lục 4 gửi kèm báo cáo.

Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Qua theo dõi cho thấy:  Bộ Tài chính vẫn là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị nhất (10 kiến nghị),  chủ yếu liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước nhận được 05 kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 04 kiến nghị còn lại là các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung cơ bản của các kiến nghị chủ yếu đề xuất các giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nộp thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch CoViD-19 trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế..; sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, theo thủ tục rút gọn; xem xét thông qua “Dự thảo Luật Đầu tư” theo thủ tục rút gọn, trong kỳ họp tháng 05-06/2020; sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất của Luật Nhà ở với Luật Đất đai; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện; bổ sung ngành y tế vào Dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; có Thông tư hướng dẫn cụ thể  để doanh nghiệp thực hiện các dự án Nhà ở xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Còn lại các Bộ, ngành, địa phương nhận được các kiến nghị chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của dịch CoVid – 19 như: áp thuế suất đối với giống cây trồng nhập khẩu là 0% đúng với quy định tại Khoản 12 Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hướng dẫn chi tiết về các điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020;  hỗ trợ về vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, tiếp cận gói vay mới; hoãn, giãn thời hạn nộp các loại bảo hiểm cho người lao động; hoãn,giãn thời gian nộp phí công đoàn.

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Tình hình trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 4/2020:

Trong tháng 5/2020, VCCI nhận được 9 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 6 bộ, ngành, địa phương (giảm 4 kiến nghị so với tháng 4). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Kết quả trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương kịp thời, sát với yêu cầu của Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Các trả lời kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn quy định về chính sách thuế và thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong tháng này, Bộ Tài chính là cơ quan trả lời kiến nghị nhiều nhất và đã chủ động xây dựng, thực hiện đồng bộ nhiều các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế… để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch CoviD-19, cụ thể : Trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thực hiện tốt các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để tiếp tục đề xuất các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định.

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết trong tháng 5/2020:

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/4/2020 đến hết 30/5/2020, còn 07 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời và đã quá hạn trả lời.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp từ các tháng trước.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 5/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- VCCI phối hợp với các đối tác tổ chức các hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP): Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến góp ý của các nhà đầu tư nước ngoài đối với dự Luật PPP, Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư về nội dung Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VCCI cho rằng dự Luật PPP cần đáp ứng được nhu cầu  tăng đầu tư để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ công của nền kinh tế; đảm bảo môi trường cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư của Việt Nam, đặc biệt so với các nước trong khu vực; cần đảm bảo tính ổn định cho các khung khổ pháp lý dài hạn nhưng vẫn có cơ chế triển khai linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi từ tình hình thực tiễn.

- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động; Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia; Nghị định Quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu; Nghị định về Quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Nghị định Quy định người lao động là người giúp việc cho gia đình; Nghị định Quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định Quy định về người Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư hướng dẫn về Đăng ký thuế; Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; Thông tư về Quy hoạch băng tần cho hệ thống di động IMT; Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư về phí, lệ phí… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Góp ý kiến định hướng cho việc xây dựng Chứng nhận doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em tại Việt Nam; định hướng sửa đổi Nghị định thủ tục hải quan; góp ý xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam trong dự thảo Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2020-2030.

- Tổ chức 02 hội nghị trực tuyến, 03 khảo sát nhanh và nhiều cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhằm lắng nghe, tập hợp các ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, phục vụ cho Hội nghị đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp. VCCI đã thực hiện 02 Báo cáo Thủ tướng về kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với 180 kiến nghị cụ thể về các nhóm các vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, tín dụng, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính và các kiến nghị trong từng lĩnh vực cụ thể khác. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đã có bài phát biểu kiến nghị các giải pháp chủ yếu để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất – kinh doanh sau dịch, thực hiện tái cấu trúc, góp phần vào khôi phục kinh tế sau dịch bệnh.

- Phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Báo cáo được xây dựng từ kết quả khảo sát của 12.400 doanh nghiệp dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 tỉnh, thành phố. Báo cáo PCI 2019 cho thấy những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương, thể hiện sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tính minh bạch được cải thiện, cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố. Đặc biệt, chi phí không chính thức của doanh nghiệp tiếp tục giảm. Báo cáo PCI 2019 đánh dấu 15 năm VCCI phối hợp với các đối tác triển khai báo cáo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương dưới góc nhìn doanh nghiệp, góp phần chuyển tải các thông điệp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền các cấp về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ năm 2020”. Hội nghị có sự tham gia và chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI cùng hơn 150 doanh nghiệp hai nước. Ấn Độ và Việt Nam có nhiềm tiềm năng thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm, mía đường, năng lượng, khoáng sản, mía đường. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ đã sang Việt Nam đầu tư và thu được kết quả tích cực. Hai nước đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và đưa Việt Nam vào tốp 10 đối tác thương mại lớn của Ấn Độ (từ vị trí 16 hiện nay).

- Tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng Covid-19” tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy công cuộc số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh hậu Covid-19. Nhiều ý kiến tại Tọa đàm đồng tình rằng với 70 tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt nam, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán (như ví điện tử) đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, thanh toán qua điện thoại di động so với quy mô của nền kinh tế thì vẫn còn khiêm tốn. Để thúc đẩy kinh tế số, cần chú trọng các biện pháp thu hút khách hàng tham gia ngân hàng số, đồng thời ngân hàng cần sớm xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ thanh toán dựa trên nền tảng số đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

VCCI tiếp tục thực hiện các công tác thường xuyên về xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập:

- Triển khai Đề án xây dựng Bộ chỉ số “Sức khỏe doanh nghiệp”: thực hiện Khảo sát trực tuyến về động thái doanh nghiệp Việt Nam (Vbis 2020).

- Phối hợp với Hiệp hội Logistic (VLA) xây dựng kế hoạch triển khai chỉ số logistic cấp tỉnh của Việt Nam.

- Hoàn thiện Cẩm nang Hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp; Cẩm nang Hướng dẫn doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ; Green book về PPP; Cẩm nang cam kết FTA cho ngành gỗ, thuỷ sản, thịt; Cẩm nang Tóm lược EVFTA.

- Tiếp tục làm việc với các đối tác Mạng lưới ASEAN về Phát triển bền vững (CSR-ASEAN network), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thế giới (WBCSD), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai Sáng kiến Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì Mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) giai đoạn mới…

- Tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Anh và Tổ chức UNDP về kế hoạch triển khai Chương trình thúc đẩy Liêm chính trong kinh doanh năm 2020.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Nơi nhận :

Như trên;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 5/2020 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của Bộ Y tế (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của UBND Tỉnh Bạc Liêu (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của UBND Tỉnh Bến Tre (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 5/2020 của UBND Tỉnh ĐẮK LẮK (Tải về)