VCCI với 7 hoạt động nổi bật trong vai trò Chủ tịch ASEAN BAC

Đồng thời cung cấp thông tin phản hồi của giới tư nhân về việc thực hiện hợp tác kinh tế khu vực ASEAN và đưa ra những lĩnh vực ưu tiên trình lên Lãnh đạo ASEAN.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BIS 2020, Chủ tịch VBS 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

VCCI cùng các thành viên ASEAN BAC có các khuyến nghị doanh nghiệp và đối thoại với Bộ trưởng Kinh tế và Lãnh đạo cấp cao ASEAN xuyên suốt năm 2020. Xuất phát từ mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN phát triển và với sứ mệnh kết nối doanh nghiệp, VCCI có những hoạt động nổi bật sau.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (Vietnam Business Summit - VBS 2020)

Kể từ thành công của Hội nghị đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ APEC 2017, với khẩu hiệu "Vietnam: We mean business", Hội nghị liên tục khẳng định mình là diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư lớn nhất trong năm của Việt Nam quy tụ hơn 1,000 doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới.

Dưới chủ đề năm 2020 “Việt Nam số hoá: Chủ động thích ứng hướng tới phát triển bền vững” và được tổ chức vào ngày 12/11/2020, Hội nghị VBS sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu về triển vọng kinh tế Việt Nam trước đại dịch Covid-19 cũng như xác định tiềm năng hợp tác trong các ngành Việt Nam có thế mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như logistics, nông nghiệp, dịch vụ IT.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng chuyên ngành cũng sẽ có các bài phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể cũng như trong các Phiên chuyên đề của Hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 (ASEAN BIS 2020)

Tổ chức ngay liền sau Hội nghị VBS 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN ABIS) 2020 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-14/11/2020 với chủ đề “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”.

Là sự kiện doanh nghiệp doanh nghiệp được mong đợi nhất của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, Hội nghị hi vọng được đón tiếp Lãnh đạo Cấp cao của 10 nước ASEAN cùng 8 Nguyên thủ các nước Đối thoại ASEAN tới phát biểu chỉ đạo và đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nhằm xây dựng một khu vực ASEAN phát triển và bền vững, vượt qua những thách thức của đại dịch và tận dụng tối ưu cách mạng công nghệ số.

Hội nghị năm nay sẽ tập trung 6 chủ đề bao gồm: Triển vọng kinh tế ASEAN; Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; Nông nghiệp đổi mới; Đạt được tăng trưởng xanh qua quản trị tốt; Hậu cần & Thành phố thông minh; và ASEAN Đổi mới & Khởi nghiệp công nghệ số.

Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế tại khu vực và trên trường quốc tế, mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư không chỉ với các đối tác tại 10 quốc gia thuộc khối ASEAN mà còn vươn tới các Đối tác đối thoại của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Nga, Canada…

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BIS 2020, Chủ tịch VBS 2020 chia sẻ, năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, trong đó doanh nghiệp khu vực ASEAN và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp cần hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, phải quốc tế hoá và số hoá để tăng cường năng lực cạnh tranh, gắn kết và hội nhập.

“Với chủ đề tập trung vào phát triển bền vững và tiến trình chuyển đổi số, Hội nghị VBS và ASEAN BIS 2020 sẽ là những diễn đàn cần thiết để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác và nắm bắt xu thế mới từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Các hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp Đông Á (EABC)

Không chỉ tích cực tham gia trong các hoạt động của doanh nghiệp nội khối ASEAN, VCCI cũng đóng vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác tiềm năng khác, đặc biệt có thể kể đến như Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) được thành lập vào năm 2004 bởi Chính phủ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN +3) để đại diện cho các quan điểm và phản hồi của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch EABC 2020, đã đại diện cho Việt Nam tham gia cơ chế hợp tác này.

Trong năm 2020, EABC đã tổ chức 2 cuộc họp Hội đồng với sự tham gia các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho 13 quốc gia Đông Á, với ba vấn đề trọng tâm được thảo luận, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Kinh tế số, và Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Kỳ họp gần nhất của Hội đồng vào ngày 7/6/2020 vừa qua đã thống nhất đề nghị các Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tiến tới ký kết RCEP và thực hiện các sáng kiến trên, nhưng phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận của tất cả các quốc gia tham gia, trong đó có Ấn Độ - một nền kinh tế giàu tiềm năng và là một đối tác quan trọng trong khu vực.

Đồng thời, về kinh tế số, Hội nghị nhất trí đẩy mạnh hợp tác khu vực tư nhân trong việc chia sẻ thông tin, lan tỏa các thực tiễn tốt và thiết lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và trong nền kinh tế. Hội nghị đánh giá cao sự hợp tác của JETRO (Nhật Bản) với VCCI trong sáng kiến triển khai Dự án Digital STARS, hướng tới xây dựng mạng lưới khởi nghiệp ASEAN cho các Startup.

Về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) khẳng định MSME là xương sống của các nền kinh tế trong khu vực và là động lực chính cho giai đoạn phục hồi và phát triển nền kinh tế, Hội đồng doanh nghiệp Đông Á cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến xây dựng bộ sách điện tử hướng dẫn về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Ngoài ra, EABC cũng khuyến khích triển khai thành lập các Trung tâm một cửa cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý và thị trường và khuyến khích các nền tảng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cho MSME.

Dự kiến EABC sẽ tổ chức thêm 2 cuộc họp vào cuối năm 2020, đồng thời sẽ đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3 vào tháng 8/2020 và Chủ tịch EABC, TS.Vũ Tiến Lộc sẽ báo cáo các khuyến nghị doanh nghiệp lên lãnh đạo ASEAN + 3 vào cuối năm 2020.

Các hoạt động của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC)

TS.Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, với cương vị Chủ tịch ASEAN BAC 2020 cho biết, trong bối cảnh các nước ASEAN cũng như toàn thế giới đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất suy giảm, nhân công thiếu hụt, chuỗi giá trị đứt gẫy… thì ASEAN BAC dưới sự chủ trì của VCCI đã đưa ra các đề xuất và khuyến nghị đại diện cho doanh nghiệp trong khối tại Hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với COVID-19 của Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN ngày 4/6/2020 tại Hà Nội.

TS. Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC 2020. Ảnh: Quốc Tuấn
TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, với cương vị Chủ tịch ASEAN BAC 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Đề xuất này đưa ra ý tưởng về việc thành lập một Ủy ban đặc biệt chuyên trách về Covid-19 với các thành viên là quan chức cấp cao các nước ASEAN và Ban cố vấn với các đại diện từ khối doanh nghiệp như thành viên ASEAN BAC, các Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp giữa ASEAN và các nước đối tác, như Anh, Mỹ, EU, Canada, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực như Hiệp hội du lịch ASEAN, Mạng lưới ASEAN CSR...

Ủy ban sẽ là cơ chế giúp cho quá trình ra quyết định hành động của ASEAN được nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời để ứng phó các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh; tận dụng công nghệ số để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và các ngành dễ bị tổn thương.

Để ứng phó với COVID-19, ASEAN BAC cũng báo cáo và khuyến nghị về 6 biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn ngắn hạn, gồm có tăng cường khả năng xét nghiệm COVID-19; Xóa bỏ, giảm thiểu rào cản phi thuế quan; Tự động hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan; Hoàn thiện và ra mắt RCEP; Thuận lợi hóa dòng chảy hàng hóa dịch vụ thiết yếu; Sự tham gia của khu vực tư nhân.

Sau đó, sáng kiến này đã tiếp tục được ASEAN BAC báo cáo tại cuộc đối thoại với Lãnh đạo ASEAN vào ngày 26/6/2020 nhằm đưa ra các khuyến nghị và giải pháp thiết thực trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 từ góc nhìn của doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế, các rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải, với mong muốn Chính phủ các nước quan tâm và tập trung giải quyết, khơi thông dòng chảy hàng hóa, dòng vốn đầu tư trong nội bộ ASEAN cũng như với các đối tác đối thoại tiềm năng ngoài ASEAN. 

Tại cuộc Đối thoại với ASEAN BAC, các lãnh đạo ASEAN đã ủng hộ và đánh giá tích cực về khuyến nghị của ASEAN BAC và nhận định các khuyến nghị này có tác dụng cộng hưởng với chủ trương và chỉ đạo của các Lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy và làm cho ASEAN trở thành một điểm đến mới hấp dẫn cho các nhà đầu tư, góp phần vào sự thịnh vượng cho tất cả các nền kinh tế ASEAN cũng như người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân nữ ASEAN (ASEAN Woman Entrepreneur Summit 2020)

Sáng kiến thành lập Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) do Việt Nam khởi xướng tại Cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) tổ chức năm 2007 tại Thái Lan.  AWEN đã được chính thức thành lập năm 2014 và Việt Nam là nước điều phối AWEN nhiệm kỳ đầu tiên sau khi AWEN được thành lập. Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) trở thành Chủ tịch đầu tiên của AWEN cho nhiệm kỳ 2 năm (2014 – 2016).

Tiếp nối các hoạt động của AWEN và góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của cộng đồng Doanh nhân nữ của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, VWEC-VCCI sẽ tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN” bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội vào ngày 9/11/2020, để thảo luận về kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ và bình đẳng giới trong khu vực ASEAN; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; trao quyền cho phụ nữ vì sự phát triển bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh cho Doanh nhân nữ trong ASEAN và trong kỷ nguyên số.

Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 (ASEAN Business Award 2020 - ABA 2020)

Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) là Giải thưởng uy tín cấp Khu vực nhằm tôn vinh các doanh nghiệp ASEAN đã có đóng góp nổi bật trong quá trình phát triển thịnh vượng chung của khu vực. Giải thưởng ABA mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao thương hiệu trong toàn khu vực ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch ABA 2020. Ảnh: Quốc Tuấn
bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch ABA 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Giải thưởng ABA 2020 sẽ có 9 hạng mục được xây dựng dựa trên việc kế thừa, chắt lọc của ABA những năm trước và phát triển những hạng mục giải thưởng phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của khu vực hiện nay bao gồm: Ngành hội nhập ưu tiên (Priority Integration Sectors); Doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc (SME Excellence); Doanh nhân trẻ tiêu biểu (Young Entrepreneur); Doanh nhân nữ tiêu biểu (Women Entrepreneur); Doanh nghiệp gia đình (Family Business); Phát triển nguồn nhân lực (Skills Development); Đối tác thân thiết ASEAN (Friends of ASEAN); Doanh nghiệp phát triển bao trùm (Inclusive Business) và Ứng phó Covid-19 (Combating Covid-19).

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch ABA 2020, năm 2020 doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng đây cũng chính là thời điểm cho những doanh nghiệp xuất sắc nhất thể hiện bản lĩnh và trở nên nổi bật hơn khi có khả năng tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh an toàn.

“Chính vì vậy ABA 2020 mang một tầm vóc đặc biệt, trong một bối cảnh đặc biệt tôn vinh những doanh nghiệp đặc biệt xuất sắc của toàn khu vực”, bà Nga nói.

Dự án Di sản của ASEAN BAC: Mạng lưới khởi nghiệp công nghệ số Digital STARS

Dự án di sản của ASEAN BAC là một trong những hoạt động thường niên quan trọng của ASEAN BAC nhằm thúc đẩy những ưu tiên của cộng đồng doanh nghiệp khu vực. Tiếp nối với trọng tâm về CMCN 4.0 do ASEAN BAC Thái Lan chủ trì năm 2019, chủ đề ASEAN BAC 2020 là “ASEAN số vì sự phát triển bền vững” nhấn mạnh đến sự phát triển của kinh tế số trong khu vực gắn kết với phát triển xã hội: Bền vững và bao trùm.

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Dự án di sản ASEAN Digital STARS. Ảnh: Quốc Tuấn

Với mục tiêu trên, ASEAN BAC Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp cùng với Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai dự án di sản Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN công nghệ số - Digital STARS 2020, nhằm tạo dựng một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong ASEAN để đẩy mạnh giao lưu, học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - MSME, động lực phát triển kinh tế trong ASEAN.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Dự án di sản ASEAN Digital STARS chia sẻ, những tháng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trong khu vực, sản xuất bị gián đoạn, nhu cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, doanh nghiệp kinh doanh đình trệ… đặc biệt là các doanh nghiệp MSME.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây lại là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số để tồn tại và tiếp tục phát triển trong bối cảnh hậu Covid-19. Hỗ trợ MSMEs chuyển đổi số cũng sẽ mang đến các cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, doanh nhân trẻ, người nghèo…

Đưa yếu tố con người vào trung tâm, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là những mục tiêu hướng tới của dự án di sản ASEAN Digital STARS do ASEAN BAC chủ trì năm 2020.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/vcci-voi-7-hoat-dong-noi-bat-trong-vai-tro-chu-tich-asean-bac-177732.html