Bệnh nhân phi công Anh: 'Xin đừng chủ quan với Covid-19'

Cameron, 43 tuổi, là một trong những bệnh nhân Covid-19 nghiêm trọng nhất từng được đội ngũ y tế Việt Nam điều trị.

"Tôi là một ví dụ sống động cho thấy tác động và mức độ nghiêm trọng của virus", phi công trả lời phỏng vấn của truyền thông địa phương từ giường bệnh.

"Tôi không nghĩ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) có thể chống đỡ nổi nếu xuất hiện một làn sóng các bệnh nhân ở tình trạng như tôi, cần số tiền chữa trị và các biện pháp tương tự", Cameron bổ sung.

Lời cảnh báo của Cameron đưa ra ngay khi Anh và một số nước châu Âu có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ hai của Covid-19. Số ca nhiễm nCoV của Anh hôm 27/7 đã vượt quá 300.000. Hôm 24/7, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo nước này sẽ phải đối phó với đại dịch đến giữa năm 2021 và tuyên bố chính phủ đang chuẩn bị cho một đợt bùng phát nữa vào mùa đông.

Nhân viên y tế ở Anh cho biết Cameron vẫn "còn chặng đường dài" để trở lại bình thường. Bác sĩ Manish Patel, chuyên gia tư vấn hô hấp, người chịu trách nhiệm chăm sóc cho phi công kể từ khi ông trở về Scotland ngày 12/7, cho biết: "Quá trình phục hồi chức năng giống như chạy việt dã. Tôi nghĩ anh ấy còn cần chạy nhiều chặng nữa".

Mục tiêu của Cameron là tiếp tục công việc vào đầu năm tới. Tuy nhiên quá trình phục hồi có thể khó khăn và tốn thời gian hơn.

Ông Stephen Cameron đang trong quá trình phục hồi chức năng tại bệnh viện Wishaw. Ảnh: BBC
Stephen Cameron đang trong quá trình phục hồi chức năng tại bệnh viện Wishaw. Ảnh: BBC

"Bệnh nhân 91", theo cách ghi nhận của Việt Nam, cũng được xác định là một trong những ca nặng nhất của khu vực. Trong 68 ngày liên tiếp, ông ta phải thở ECMO - hình thức hồi sức dành cho các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Y bác sĩ Việt Nam gần như đã tính đến phương án ghép phổi khi chức năng phổi của bệnh nhân giảm xuống còn 10%. Cameron cũng bị suy đa tạng, giảm 30 kg khi đang hôn mê.

"Tôi được cho biết tôi là bệnh nhân nặng nhất châu Á. Các bác sĩ Việt Nam có thể sử dụng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình điều trị tôi để giúp những người bệnh nặng khác", Cameron nói. "Khi thức dậy lần đầu tiên, tôi đã nghĩ liệu mình có thể đi lại không. Tôi lo lắng về việc bị liệt cả đời, không chắc đây có phải dấu chấm hết cho sự nghiệp hàng không".

Cameron cho rằng điều quan trọng là mỗi người phải tuân thủ khuyến cáo giãn cách xã hội và biện pháp vệ sinh mà chính phủ đưa ra. "Mọi người có thể htấy bực bội vì phải đi găng hay phải giãn cách 2 mét. Nhưng các bạn thấy đấy, nếu bị nhiễm, như tôi phải sống nhờ máy móc suốt 10 tuần".

"Đây không phải chuyện vớ vẩn. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Mọi người đừng chủ quan, cho đến khi nào chúng ta diệt sạch được (dịch bệnh)".

Tính đến ngày 28/7, thế giới ghi nhận hơn 16 triệu ca dương tính nCoV và khoảng 650.000 người chết. Mỹ và Brazil vẫn là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dịch bệnh cũng có chiều hướng leo thang ở châu Phi và tái bùng phát ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Theo Thục Linh(Vnexpress)

https://vnexpress.net/benh-nhan-phi-cong-anh-xin-dung-chu-quan-voi-covid-19-4137121.html