Hợp tác doanh nghiệp với nhà trường để phát triển nhân lực logistics

VCCI
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Bùi Tư

Ngày 28/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm mô hình gắn kết doanh nghiệp logistics với giáo dục nghề nghiệp: Giải pháp nhân lực hậu Covid-19.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp logistics, tiềm năng và cơ hội của ngành logistics trong thời gian tới là rất lớn khi Việt Nam gia nhập EVTA và các hiệp định thương mại tư do. Tuy nhiên, thách thức phát triển của ngành logistics cũng không hề nhỏ, đó là hệ thống cảng biển, kho bãi kết nối còn lạc hậu; quy mô vốn còn nhỏ, đặc biệt là nhân lực còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng của nhân lực để chuẩn bị đón nhận làn sóng chuyển dịch vốn FDI chưa cao, năng suất lao động thấp, đòi hỏi phải có kế hoạch căn cơ để phát triển nhân lực ngành logistics trong thời gian tới.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ngành logistics là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, Chính phủ có nhiều chỉ đạo để tập trung phát triển ngành. Một trong những điểm nghẽn phát triển ngành là nhân lực. Vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành logistics đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên phát triển vẫn chưa tương xứng.

Theo khảo sát, có 53% doanh nghiệp thiếu nhân viên logistics, chưa đến 10% doanh nghiệp hài lòng về trình độ nhân viên đang có. Theo dự báo, đến 5 năm nữa, cần bổ sung khoảng 300 nghìn nhân lực logistics, tuy nhiên, hiện nay chỉ có 40 cơ sở giáo dục đào tạo nghề logistics, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 10 nghìn nhân lực, như vậy, lượng cung chưa tương xứng với cầu. 

Bên cạnh đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng của ngành logistics. Rõ ràng chúng ta phải có sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu kết nối các bên nhằm mục đích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics, trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Úc, Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) đã được thành lập. Sau hai năm triển khai và thực hiện thí điểm, mô hình đã nhận được những đánh giá tích cực từ các bên có liên quan.

Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI Hồ Chí Minh cho biết, dự án thí điểm mô hình Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề - Ngành logistics là một chuỗi các hoạt động tiếp nối liên tục dựa trên sứ mệnh cốt lõi là xây dựng phương pháp tiếp cận phát triển kỹ năng nghề cho ngành logistics Việt Nam, một ngành đang có rất ít chương trình đào tạo chính thức.

Mô hình này là sự học tập có chọn lựa phương pháp tiếp cận hiện đại của Úc về phát triển kỹ năng nghề với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, trong đó những yếu tố phù hợp với bối cảnh giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam được đưa vào thí điểm trong Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề - ngành logisitcs.

Kết quả của mô hình thí điểm sẽ mang lại các lợi ích chiến lược cho cả hai nền kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam, một nguồn nhân lực năng động, có chuyên môn cao hơn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ là giảm chi phí logictics xuống còn khoảng 20% GDP (ở các nước phát triển, chi phí này từ 9 - 14% GDP).

Đồng thời, giúp xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao cho ngành logistics của Việt Nam, mang lại các hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả khác cho các công ty của Úc, nơi Việt Nam là một nước nằm trong chuỗi cung ứng khép kín./.

Theo Bùi Tư(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-07-28/hop-tac-doanh-nghiep-voi-nha-truong-de-phat-trien-nhan-luc-logistics-90102.aspx