'Doanh nghiệp không muốn gia hạn nộp thuế, đó là quyền của họ'

may thái nguyên
Nghị định 41 giúp người nộp thuế tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: NM.

PV: Như ông đã biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiến thuê đất. Nghị định được cho là kịp thời hỗ trợ DN và người nộp thuế. Tuy nhiên, theo thông kê mới nhất của Tổng cục Thuế thì số giấy đề nghị gia hạn vẫn khá thấp. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

- Ls Đặng Thành Chung: Theo tôi, số giấy đề nghị gia hạn nộp thuế đến nay vẫn khá khiêm tốn so với ước tính ban đầu vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Nghị định 41 có hiệu lực từ 8/4/2020, dẫn đến việc triển khai Nghị định 41/2020/NĐ-CP đúng vào thời điểm Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, nên việc người nộp thuế tiếp nhận, thực hiện việc gia hạn gặp khó khăn.

Thứ hai, Nghị định 41 chỉ là giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, chứ không phải giảm thuế, nên có thể nhiều DN thấy số tiền không lớn và không làm thủ tục gia hạn. Đó là chưa kể khi tiến hành xin gia hạn thuế, có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác liên quan đến tình hình tài chính của DN. Do đó, nhiều DN không “mặn mà” lắm với việc nộp hồ sơ xin gia hạn nộp thuế.

Thứ ba, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 tác động phần lớn đến các DN kinh doanh trong lĩnh vực như du lịch, bất động sản, xuất khẩu…, hoặc các DN có quy mô lớn.

 
 
Dù DN được tạo điều kiện để vượt qua khó khăn, nhưng họ có thực hiện hay không, đó là quyền của họ.

ls đặng thành chung 

Ls Đặng Thành Chung

 

Tức là không phải tất cả DN đều nằm trong diện được gia hạn thuế, phát sinh nghĩa vụ thuế. Vì thế, đa số DN có số thuế phát sinh lớn mới làm thủ tục gia hạn. Còn các DN không bị tác động nghiêm trọng vẫn hoạt động cầm chừng, tuy ít nhưng vẫn có doanh thu nếu gia hạn sẽ bị dồn thuế đến cuối năm.

Đây là thời điểm DN phải thực hiện nhiều khoản chi, nên áp lực sẽ càng lớn. Tâm lý chung của các chủ DN là muốn trả dần tiền thuế để khỏi dồn vào một lần cuối năm, bởi khi ấy có thể làm mất khả năng thanh khoản của họ.

Hơn nữa, nếu có nguồn tiền nhàn rỗi trong điều kiện không thể đầu tư ở giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, thì DN sẽ chọn phương án nộp thuế chứ không cần gia hạn.

Thứ tư, các DN nhỏ và siêu nhỏ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020, trong khi, thời gian gia hạn không phải tất cả DN nằm trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế, chỉ đa số DN có số thuế phát sinh lớn làm thủ tục gia hạn.

Phần lớn DN, người nộp thuế gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên không phát sinh doanh thu, không phát sinh thuế, dẫn đến không có nhu cầu đề nghị gia hạn thuế.

Thứ năm, đối với các DN có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, thì thường ký kết hợp đồng thuê đất theo chế độ trả tiền thuê đất hàng năm. Do đó, có thể họ đã nộp tiền thuê đất cho năm nay rồi nên không có nhu cầu gia hạn nộp tiền thuê đất.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra số lượng DN được hưởng lợi là 700.000 DN, với số tiền lên đến hơn 180.000 tỷ đồng gia hạn là lớn hơn so với thực tế. Là người làm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý cho DN nhiều năm, ông có thể nói gì về điều này?

- Ls Đặng Thành Chung: Sau khi Nghị định 41 về gia hạn thuế và tiền thuê đất có hiệu lực  thì các DN đã và đang thực hiện việc nộp hồ sơ gia hạn theo hướng dẫn của các đơn vị thuế quản lý trực tiếp.

Việc Bộ Tài chính đưa ra số lượng DN được hưởng lợi với số lượng khoảng 700.000 DN với số tiền đến 180.000 tỷ đồng là dựa vào các số liệu về DN đang hoạt động trong phạm vi điều chỉnh của nghị định, cũng như trên số liệu nộp thuế của các DN này thời gian trước khi bị ảnh hưởng.

Nhưng khi đi vào thực tế, như tôi đã nói trên đây, có những DN có đủ tài chính để thực hiện việc nộp thuế mà không cần phải gia hạn, nên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Hay nói cách khác, dù họ được tạo điều kiện, nhưng họ có thực hiện hay không, đó là quyền của họ.

Mặt khác, hiện nay các DN thực hiện báo cáo theo quý, nên có những DN khi Nghị định 41 có hiệu lực đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cũng như báo cáo để nộp cơ quan thuế. Do đó họ đã không thực hiện việc gia hạn nộp thuế, mặc dù thủ tục của việc gia hạn rất thuận lợi.

PV: Chỉ còn 1 ngày nữa là hết hạn gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Ông có lời khuyên gì với cộng đồng DN, người nộp thuế? Cơ quan thuế cần có những động thái gì để hỗ trợ DN, người nộp thuế?

- Ls Đặng Thành Chung: Chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là chính sách nhằm tạo điều kiện cho các DN, người nộp thuế gặp các khó khăn về tài chính có thời gian để phục hồi sản xuất, tạo doanh thu để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đây là quyền lợi của DN và người nộp thuế.

Do đó, các DN cũng như người nộp thuế cần rà soát lại tình hình tài chính của mình, nếu xét thấy có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế theo chế độ hiện hành thì vẫn tiếp tục thực hiện.

Ngược lại, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn về tài chính thì nên đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để tạo cơ hội sử dụng tài chính hiện có phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, việc thực hiện gia hạn có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua thiết bị điện tử, rất tiện lợi và dễ dàng, thủ tục và hồ sơ nhanh gọn. Nên nếu DN, người nộp thuế xác định phải gia hạn, thì nên nhanh chóng thực hiện ngay các bước theo quy định tại Nghị định 41 để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình và có thể liên hệ với cơ quan thuế để được hỗ trợ tối đa.

Để hỗ trợ tối đa cho DN và người nộp thuế, về phía cơ quan thuế cũng nên liên hệ trực tiếp với các DN, người nộp thuế trên địa bàn mình quản lý để tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chính sách.

Nếu số lượng DN, người nộp thuế tham gia gia hạn vẫn còn thấp, mà số ngân sách thu được vẫn chưa đảm bảo, thì cơ quan thuế có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kéo dài thời gian gia hạn việc thực hiện chính sách này.

Trong thời gian được gia hạn, cơ quan thuế có thể thực hiện các biện pháp tuyên truyền trực tiếp đến DN, người nộp thuế, hoặc thông qua các hình thức phương tiện thông tin đại chúng để DN, người nộp thuế nhận biết được quyền lợi của mình và chủ động thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Nhật Minh(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-07-29/doanh-nghiep-khong-muon-gia-han-nop-thue-do-la-quyen-cua-ho-90193.aspx