Nhiều siêu thị tăng mạnh lượng hàng, giữ giá ổn định

Tăng  nguồn hàng từ 50-300%, giữ giá ổn định

Trao đổi với PV Lao Động, ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Big C Thăng Long, cho biết: Ngoài các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay , Big C Thăng Long tăng cường nguồn hàng lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH BRG Retail, BRG Retail đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại từng siêu thị, minimart và tăng gấp 10 lần tại Kho trung tâm. Trong đó, tập trung vào 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội gồm gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến như: xúc xích, giò, thịt nguội, chân giò hun khói, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, sữa, nước uống đóng chai, dầu ăn, gia vị, rau củ quả.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Dũng,  trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Tập đoàn BRG đã chỉ đạo Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) tái khởi động hệ thống phòng chống dịch COVID-19 cũng như triển khai cung ứng đầy đủ các sản phẩm thiết yếu tới người dân với mức giá không đổi trên toàn bộ hệ thống 50 siêu thị, Minimart thuộc BRGMart tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…

Nguồn hàng hóa dồi dào tại các siêu thị. Ảnh: Trần Thị Hồng
Nguồn hàng hóa dồi dào tại các siêu thị. Ảnh:  Lê Thị Hồng

 Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Co.opmart Hà Nội cũng thông tin: Hàng hóa dự trữ đã được tăng cường tại tổng kho, sẵn sàng phục vụ người dân chống dịch. “Trong trường hợp dịch bệnh  COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, Co.opmart Hà Nội vẫn có đủ nguồn hàng cung ứng” – bà Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.

Theo bà Trần Thị Phương Lan – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã xây dựng và triển khai 3 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, tổng trị giá 194.000 tỉ đồng, đồng thời xây dựng phương án dự trữ thêm hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, đảm bảo đủ nguồn cung dù dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp.

“Nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn thành phố thì các doanh nghiệp đã chủ động tâm thế dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần trong phương án 3 của thành phố” – Bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết: Toàn bộ 50 siêu thị, Minimart thuộc hệ thống BRGMart (Haprofood, Hapromart, Intimex, Seikamart) tại Hà Nội cũng như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh COVID-19 như: Toàn bộ cán bộ nhân viên nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khẩu tay bằng cồn trong suốt quá trình làm việc; bố trí các biển thông tin hướng dẫn phòng chống dịch tại điểm bán”.

Dung dịch rửa tay dồi dào, giá ổn định. Ảnh: Lê Thu Hồng
Dung dịch rửa tay dồi dào tại các siêu thị, giá ổn định. Ảnh: Lê Thu Hồng

Tại các siêu thị lớn, hình thức bán hàng qua điện thoại, bán hàng online… đã được tăng cường và phục vụ trong mọi tình huống theo phương châm "ổn định dịch vụ, tăng cường phòng, chống dịch bệnh”.

Siêu thị Big C áp dụng dịch vụ gọi điện đặt hàng qua số Hotline 19001880 của mỗi siêu thị và giao tới tận nơi, giúp khách hàng tránh phải đến nơi đông người, mà vẫn đảm bảo không bị thiếu hụt nhu yếu phẩm. Co.opmart Hà Nội, Hapro… cũng áp dụng bán hàng online và giao hàng miễn phí.

Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương yêu cầu tiếp tục công tác phòng chống dịch đối với người lao động trong doanh nghiệp, rà soát lại phương án kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn trên địa bàn sẽ xây dựng kế hoạch để bảo đảm sản lượng công tác phòng chống dịch phục vụ cho nhu cầu người dân trên địa bàn toàn thủ đô.

Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này, 63/63 tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực như đối với giai đoạn dịch COVID-19 ở giai đoạn 1.

Thậm chí, các địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng cả phương án cung cấp nguồn hàng trong trường hợp phải giãn cách xã hội.