Giã từ thời “đi dây”

Muốn không đứt dây, thì một trong những niềm hy vọng là phải nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp. Nhưng tình hình doanh nghiệp lúc đó rất thảm. Từ năm 2011 và liên tục trong các năm sau đó, năm nào cũng đều đặn tăng hàng chục nghìn doanh nghiệp “rớt đài”. Vào giữa năm 2012, bắt đầu diễn ra cao trào doanh nghiệp “chết” khi doanh nghiệp khai tử và khai sinh gần bằng nhau. Doanh nghiệp giải thể, phá sản trong năm 2011 là khoảng hơn 50 nghìn đến năm 2015 lên tới gần 80 nghìn.

Bởi vậy, ngay khi bước vào nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dồn trọng tâm vực dậy cộng đồng doanh nghiệp. Tháng 4 năm 2016, cả cộng đồng doanh nghiệp xáo động về thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với họ. Xáo động là bởi, nhiều nhiệm kỳ trước đây, thường thì người đứng đầu Chính phủ chỉ đối thoại ở diện hẹp, với thành phần tham dự là doanh nghiệp nhà nước.  

Thủ tướng cũng phát đi thông điệp rất dân dã, “doanh nghiệp, Chính phủ là cây đa dựa thần, thần dựa cây đa”. Bắt đầu từ ngày đó, mở ra thời kỳ ngẩng cao đầu của doanh nghiệp trong đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Trung bình mỗi năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì 25 cuộc xúc tiến đầu tư tại các địa phương cùng hàng trăm cuộc họp, làm việc, tiếp xúc về tình hình phát triển doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Tính ra, không có ngày nào Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, bàn về doanh nghiệp. Chính phủ không chỉ trăn trở, sốt ruột, mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp, nói như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chính phủ “mang đến cho doanh nghiệp cả bánh mì và hoa hồng”.

Đi cùng với sự thăng hoa của cả nền kinh tế, các con số liên quan đến phát triển doanh nghiệp đều vượt bậc, thậm chí đạt đến ngưỡng kỳ tích. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới vượt 100 nghìn. Năm 2017, kỷ lục được phá vỡ khi có khoảng 127 nghìn doanh nghiệp được thành lập. Kỳ tích tiếp tục với năm 2018, hơn 130 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới. Năm 2019, trên 138 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Và dĩ nhiên, theo đó, ngân sách nhà nước giã từ thời kỳ thấp thỏm mối lo “đứt thì chúng ta chết”. Hiểu về nỗi căng thẳng của túi tiền quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng rất trân trọng và giữ gìn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính là một trong những bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2019, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ về cải cách thủ tục hành chính. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Tài chính giữ vị trí thứ 2 trong khối các bộ, cơ quan ngang bộ về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Như trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Bộ đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí và điều động 16.184 lượt công chức; duy trì 2 số điện thoại đường dây nóng và 2 hộp thư điện tử. Tại các tổng cục trực thuộc và các cục ở địa phương đều công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử phục vụ cho việc nắm bắt kịp thời thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Ứng phó với đại dịch Covid- 19, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là gói được ngành Tài chính đặc biệt ưu tiên…

Giờ đây, khi mà nền kinh tế trong cảnh rất khó khăn, Bộ trưởng Tài chính cũng không phải nghĩ đến tình huống “đi dây” như 4 năm trước. Thủ tướng Chính phủ cũng thấy, “tình hình ngân sách không quá xấu như đã dự báo”. Bởi, với những năm tháng Chính phủ dốc lực bảo toàn và phát triển lực lượng doanh nghiệp, thì giờ cũng có thể yên tâm còn người là còn của. Sao có thể quay về thời kỳ “đi dây”?

Theo Đoàn Trần(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-31/gia-tu-thoi-di-day-90321.aspx