Đấu thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thế nào?

Điều chỉnh hồ sơ thầu để thu hút đầu tư

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 14/16 hồ sơ của nhà đầu tư lọt vào sơ tuyển đã mua hồ sơ của 5 dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Mặc dù phải chờ đến cuối tháng 9.2020, khi thời hạn nộp hồ sơ dự thầu của các dự án bắt đầu mở, mới có thể đo đếm chính xác lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nhưng với lượng hồ sơ đã bán ra đã phần nào chứng tỏ sức hấp dẫn của các nhà đầu tư đối với dự án này.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - ông Bùi Quang Thái, sau khi mua hồ sơ mời thầu, các nhà đầu tư sẽ có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu và nộp cho bên mời thầu. Theo dự kiến, đến ngày 20.9.2020, các dự án dự kiến sẽ mở thầu. Sau đó, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định. Nếu thuận lợi, đấu thầu thành công, Bộ GTVT sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12.2020 để khởi công xây dựng đầu năm 2021, hoàn thành năm 2023.

Đại diện Bộ GTVT với 5 dự án cao tốc Bắc - Nam cho hay, vốn Nhà nước tham gia ở mức 45 đến 60% cao hơn nhiều các dự án BOT trước đây. Đồng thời các dự án cũng cam kết 100% mặt bằng sạch trong tháng 10.2020, điều này cũng làm giảm các rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các Ban Quản lý dự án cũng phải cập nhật các tiêu chí xét duyệt trong hồ sơ ngay trước khi tổ chức đấu thầu để đảm bảo lợi ích và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Nhật, nếu việc ký kết với nhà đầu tư được thực hiện sau ngày 1.1.2021 là thời điểm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực thì cơ chế chia sẻ rủi ro  sẽ được các bên đàm phán và có thể thay đổi nếu không ảnh hưởng đến chủ trương đầu tư và nghiên cứu khả thi của dự án.

Cũng theo đại diện Bộ GTVT, các nhà đầu tư tham dự đấu thầu đều đã được đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong bước sơ tuyển. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục cập nhật lại năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong giai đoạn đấu thầu. Bộ GTVT sẽ sử dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước để đánh giá chọn nhà đầu tư. Các nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ dự thầu hợp lệ, yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm, điểm kỹ thuật và đề xuất tài chính thấp nhất, tức là nhà đầu tư nào bỏ giá trị vốn góp của nhà nước tham gia vào dự án ít nhất sẽ được xem xét lựa chọn.

Loại bỏ nhà thầu “tay không bắt giặc”

Nhằm ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc” như tại một số dự án BOT trước đây, Bộ GTVT đã đưa ra quy định trong hồ sơ mời thầu về việc hủy hợp đồng đã ký kết và tịch thu bảo lãnh nếu trong thời gian 6 tháng nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi đấu thầu, nhà đầu tư nào cũng trưng ra rất nhiều năng lực, đảm bảo các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu nhưng điều quan trọng nhất là vốn tín dụng thì mới dừng ở cam kết từ phía ngân hàng chứ chưa có hợp đồng chính thức. Trong thực tế, thời gian qua phần lớn các nhà đầu tư BOT giao thông trong thời gian qua đều phải đi vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư. Tại nhiều dự án diễn ra tình trạng nhà đầu tư đạt hết các tiêu chí trong đấu thầu, nhưng khi triển khai lại không vay được vốn tín dụng khiến công trình trì trệ ròng rã nhiều năm.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc Bộ GTVT đưa ra mốc thời gian để nhà đầu tư vay vốn tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, việc quy định mốc thời gian vay vốn chỉ là một phần, điều quan trọng nhất đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam là Ngân hàng Nhà nước cần phải có chính sách về tín dụng, thu xếp nguồn vốn dành cho phát triển hạ tầng giao thông.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ ông Vũ Đức Nhận cho rằng, quy định thời gian 6 tháng sau khi ký hợp đồng nhà đầu tư phải huy động được vốn tín dụng là phù hợp với thực tế. Bởi, nếu thời gian huy động vốn quá 6 tháng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Các nhà đầu tư muốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phải rất quyết tâm và đủ năng lực mới có thể tham gia. Ngay từ bây giờ, các nhà đầu tư, ngân hàng có ý định tham gia đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã phải đi nghiên cứu và thẩm định các dự án, không phải chờ đến lúc đấu thầu nữa.

Cùng đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá dầu giảm sâu, giá nguyên vật liệu giảm đến trên 20%. Do đó hồ sơ mời thầu hiện đang đưa ra với giá rất thấp, trong khi dự án xây dựng được kéo dài 2 - 3 năm, cần phải xem xét lại quy định trượt giá 1,5%/năm.

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - ông Nguyễn Viết Hải cho rằng, trong những năm tới không thể có những trượt giá thấp như vậy, đặc biệt là giá nhựa đường và xăng dầu, nên cần phải xem xét lại nếu không rất rủi ro cho nhà đầu tư.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - ông Phùng Tiến Thành nói, dự án quan trọng nhất là vốn tín dụng từ các ngân hàng, tuy nhiên điều mà các ngân hàng lo ngại nhất là lưu lượng thực tế của các phương tiện và những tồn tại của các dự án BOT có được giải quyết thấu đáo hay không. Cũng theo ông Thành, hiện các ngân hàng đang nhìn vào mức phí và lộ trình thu phí. Để giải quyết vấn này đại diện Bộ GTVT cho biết, dự kiến trong tuần tới Bộ này sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại nhằm giải quyết những vướng mắc để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.