'Nhiều phương án để giải bài toán thuê mặt bằng thời Covid-19'

Tọa đàm "Bài toán thuê văn phòng thời Covid-19" do VnExpress tổ chức vào ngày 7/8 ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp, đại diện chủ mặt bằng và chuyên gia thị trường về những vấn đề, giải pháp thuê mặt bằng trong tình hình khủng hoảng. Tham gia tọa đàm và chia sẻ góc nhìn có ông Lê Song Song Ngọc - đồng sáng lập Cộng đồng Hỗ trợ Doanh nghiệp CSC, bà Dương Thị Bích Trâm - CEO MK Creative Group (MKCG) và ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn - Cho thuê Văn phòng và Khu công nghiệp CBRE Việt Nam.

Tọa đàm Bài toán thuê văn phòng thời Covid-19 do VnExpress tổ chức. Ảnh: Hữu Khoa.

Tọa đàm "Bài toán thuê văn phòng thời Covid-19" do VnExpress tổ chức. Ảnh: Hữu Khoa.

Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải kích hoạt trạng thái phòng dịch, vừa đảm bảo vận hành lẫn giữ doanh số ổn định. Để "sống sót", nhiều nhà quản lý tìm cách giảm tối đa chi phí, trong đó thương lượng giảm giá thuê là một phương án được nhiều doanh nghiệp cân nhắc đầu tiên.

Đại diện cho cộng đồng khoảng 300 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ông Lê Song Song Ngọc - đồng sáng lập CSC nhận định rằng vào tháng 4, các công ty dễ đàm phán giảm giá thuê với chủ mặt bằng văn phòng vì điều kiện cách ly xã hội bắt buộc của Chính phủ. Theo quan sát của CSC, vào thời điểm đó, tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng giảm giá thành công là một nửa nhưng khi Covid-19 bùng phát gần đây, cơ hội thành công gần như không có vì chủ đầu tư cho rằng việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có lý do gì để giảm giá thuê văn phòng.

"Khi Covid-19 trở lại, việc giãn cách chưa thực hiện, doanh nghiệp không thể áp dụng điều kiện bất khả kháng trong hợp đồng nên quá trình đàm phán trở thành 'một cuộc chiến tâm lý'. Doanh nghiệp chỉ có thể thương lượng dựa trên yếu tố giảm lợi nhuận do dịch và tìm kiếm sự thiện chí của chủ mặt bằng", đại diện CSC cho biết.

Đồng quan điểm với ông Song Ngọc, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc kiêm Trưởng phòng Dịch vụ Tư vấn - Cho thuê Văn phòng và Khu công nghiệp CBRE Việt Nam cũng nhận định rằng trong tháng 4, các chủ thuê và khách thuê đã có nhiều hình thức hỗ trợ lẫn nhau như thống nhất chi trả chậm hay miễn một tháng tiền thuê, giảm phí dịch vụ. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát mới, chủ đầu tư khó lòng hỗ trợ khách thuê như trước vì nếu tiếp tục giảm giá, các chủ tòa nhà phải gánh chịu nhiều hệ lụy tài chính. Đồng thời, nhiều chủ mặt bằng cho rằng vì đã giảm tiền thuê vào tháng 4 nên không thể tiếp tục giảm.

Khi không thể thương lượng giảm giá thuê, những bài toán toán khó về quản trị chi phí tiếp tục lặp lại, khó khăn bủa vây doanh nghiệp. Nếu muốn chuyển đến các mặt bằng mới phù hợp với tình hình tài chính hơn, ngoài việc tốn thời gian tìm kiếm mặt bằng phù hợp, doanh nghiệp cũng phải cân đối tiền cọc cho vị trí mới. Ngay cả khi quyết định làm việc từ xa, các công ty vẫn gặp khó do chưa kịp chuyển đổi số và thiếu cơ sở hạ tầng.

Trong tình thế đó, doanh nghiệp đang xoay sở nhiều cách để "tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó". Đại diện CSC cho biết để "tự cứu mình", nhiều công ty chủ động đề xuất các giải pháp với chủ cho thuê như đề xuất thanh toán khoảng 15% tổng doanh thu, thanh toán nhiều đợt, cắt giảm diện tích...

"Để đàm phán hiệu quả, các doanh nghiệp cần trình bày thật về doanh số, tránh việc phóng đại con số thiệt hại để chèn ép chủ thuê. Lúc này, sự chân thành, tôn trọng lẫn nhau là điều quan trọng, tiến đến mục tiêu hai bên cùng có lợi", ông Ngọc phân tích.

Mô hình văn phòng trọn gói giúp tiết kiệm chi phí và lan tỏa năng lượng tích cực.

Mô hình văn phòng trọn gói giúp tiết kiệm chi phí và lan tỏa năng lượng tích cực.

Đại diện doanh nghiệp cho thuê văn phòng, bà Dương Thị Bích Trâm - CEO MKCG chia sẻ rằng các đơn vị cho thuê cũng phải chịu nhiều áp lực tài chính do phải đi vay ngân hàng để kinh doanh. Vì vậy, để hai bên cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, các khách thuê có thể chủ động đề xuất các hình thức hợp tác phù hợp để cùng thương lượng.

Đối với các đối tượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh nhưng đủ tự tin vượt qua, MKCG đề xuất phương án không tính phí thuê trong 6 tháng chỉ với điều kiện khách thuê đặt cọc chi phí tương đương một tháng thuê. Qua năm hợp đồng tiếp theo, doanh nghiệp được giảm tiền thuê 25%. Trường hợp quá khó khăn không thể tiếp tục kinh doanh, các công ty cũng có thể thương lượng chấm dứt hợp đồng thuê mà không phải đóng phí phạt.

Đại diện CSC đánh giá đặt cọc một tháng tiền thuê để đảm bảo vận hành doanh nghiệp trong 6 tháng là một giải pháp có thể cân nhắc lúc này. Đồng thời, trong tình hình khó khăn, các doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm tìm kiếm các chủ cho thuê có một hệ sinh thái mạnh để tận dụng thêm nhiều tiện ích.

"Nếu doanh nghiệp được hỗ trợ trong 6 tháng thì sau khi vượt qua khỏi giai đoạn khó, họ cũng khó mà rời đi", ông Song Ngọc - đồng sáng lập CSC chia sẻ về giải pháp của MKCG.

Ngoài ra, MKCG cũng hỗ trợ xây dựng mô hình văn phòng trọn gói để hỗ trợ cho khách thuê. Đây là mô hình "lai" giữa văn phòng truyền thống và không gian làm việc chung. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chi một khoản tiền cố định hàng tháng và ký hợp đồng thuê lâu dài để sở hữu một không gian làm việc riêng tư, tương tự văn phòng truyền thống. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều đã trang bị sẵn, đồng thời các dịch vụ tiện ích như lễ tân, in ấn, văn thư, hội họp... sẽ dùng chung với các doanh nghiệp khác.

"Ưu điểm của mô hình văn phòng trọn gói là tiết kiệm chi phí, tiết giảm nhân sự về vận hành văn phòng. Đồng thời, mô hình này tạo ra nhiều nguồn năng lượng tích cực để cùng nhau vượt qua một giai đoạn khó khăn", CEO MKCG nhấn mạnh.

Theo Thanh Thảo(Vnexpress)

https://vnexpress.net/nhieu-phuong-an-de-giai-bai-toan-thue-mat-bang-thoi-covid-19-4146209.html