Xong cổ phần hóa nhưng không chịu "lên sàn", 42 doanh nghiệp bị "sờ gáy"

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam về đề nghị tạo thêm nguồn cổ phiếu cho thị trường chứng khoán thông qua việc thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Bộ này cho biết, theo kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 sẽ cổ phần hoá 128 doanh nghiệp, thoái vốn tại 348 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua còn chậm, không đạt kế hoạch.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 5.2020 có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá. Trong đó chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hoá theo Công văn 991/TTg-ĐMDN, Quyết định 26, và thoái vốn tại 99/348 doanh nghiệp thuộc danh mục thoái vốn theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, đạt 28% kế hoạch.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong những tháng còn lại của năm 2020 các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nằm trong kế hoạch dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá phải thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cũng là một trong các giải pháp tạo thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng về việc này, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chủ quản thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và rà soát, phân loại danh sách các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá chưa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch, có hình thức kỷ luật người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với việc xử lý vi phạm quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 251 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá để thông báo về hành vi vi phạm quy định niêm yết, đăng ký giao dịch. Đến nay, Bộ cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 42 doanh nghiệp và nhắc nhở 23 trường hợp.