Nghỉ hưu trước tuổi: Trước đây dù vận động nhưng nhiều người không nghỉ

Thời gian qua, nhiều cán bộ ở các địa phương trên cả nước do không đủ tuổi tái cử cấp uỷ khoá mới đã xin nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đây là những trường hợp không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Những người xin nghỉ việc khi không đủ tuổi tái cử sẽ được hưởng chính sách chung áp dụng trên cả nước.

Ông Dĩnh cho rằng, việc hỗ trợ sẽ tùy thuộc chức vụ cụ thể của từng người, thời gian công tác của người đó từ khi được chấp thuận nghỉ việc đến thời điểm nghỉ hưu. Trước đây, mặc dù được động viên nhưng nhiều người không nghỉ, giờ các cán bộ, công chức tình nguyện xin nghỉ thì nên ủng hộ. Đây cũng cũng là chủ trương sắp xếp trước đại hội để chuẩn bị các phương án nhân sự cho khóa mới thuận tiện hơn.

Theo ông, nhiều cán bộ đề xuất nghỉ trước để tạo điều kiện cho cơ quan sắp xếp thuận lợi hơn và bản thân người nghỉ cũng được giải quyết chế độ chính sách.

Nên ủng hộ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định. Minh họa của ĐAN
Nên ủng hộ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định. Minh họa của ĐAN

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế thì việc đưa ra chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi được nghỉ hưu trước tuổi là hết sức cần thiết. Điều này đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, tránh tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trẻ, góp phần phát triển bộ máy nhà nước nói chung.

Theo ông Cường, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích người lao động nói chung, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành còn chưa thống nhất, ở nhiều nơi áp dụng khác nhau dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Cụ thể, để khuyến khích công chức, viên chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng cần nghỉ hưu trước tuổi để “nhường ghế” cho lớp trẻ thì mỗi địa phương đưa ra những giải pháp khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương nên việc áp dụng chưa đồng bộ mà vẫn còn tùy nghi.

​"Đối với những trường hợp không thuộc diện tinh giảm biên chế thì mức lương hưu được nhận hiện nay vẫn thấp hơn mức lương hưu được hưởng khi nghỉ đúng tuổi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghỉ hưu sớm còn thấp" - luật sư Cường nói.

Để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, theo ông Cường cần có chính sách giúp họ hưởng tối đa lương hưu. Có khoản kinh phí phù hợp khi họ nghỉ hưu sớm, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ thì mới khuyến khích được.​

Bên cạnh đó, để giải quyết đến vấn đề này, ông cho rằng cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát biên chế của từng cơ quan, tổ chức, đánh giá năng lực của từng cán bộ để tránh lãng phí, chảy máu chất xám, cần phân loại người nghỉ hưu sớm thuộc đối tượng nào, với những người đang làm tốt thì nên được giữ lại tiếp tục công tác.

"Việc rà soát phải đánh giá rất thận trọng, tránh trường hợp khuyến khích người nghỉ lại tuyển thêm vào. Nếu làm như vậy, ngân sách vừa mất tiền xử lý cơ chế cho người nghỉ hưu sớm mà vấn đề tinh giản cũng không giải quyết được.

Do đó, các bộ, ban ngành cần có phương án xây dựng đồng bộ, cụ thể, đồng thời xem xét chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức về hưu sớm thì mới đạt hiệu quả" - ông Cường đề xuất.