Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1577/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  8 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp

Trong tháng 8/2020, VCCI tổng hợp,  thống kê có 23 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến các bộ, ngành, địa phương. Trong đó Bộ Tài chính  có 06 kiến nghị; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhận được 05 kiến nghị, Bộ Công thương nhận được 02 kiến nghị còn lại là các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ Xây dựng, Công an, Khoa học và Công nghệ và các địa phương : TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ, Ninh Thuận, Bến Tre. Nội dung cơ bản của các kiến nghị  trong tháng này chủ yếu đề nghị chính sách tài khóa, hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp, như: đề xuất  gia hạn thời gian nộp thuế, phí; đề nghị sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP áp mức thuế xuất khẩu ống đồng mã HS 7411.10.00 từ 5% xuống 0% như trước đây; đề xuất tháo gỡ vướng mắc kiểm tra container quá cảnh và đề nghị các cơ quan cần tuân thủ và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 59/NĐ-CP ngày 20/4/2018 và Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018; hướng dẫn bổ sung thời điểm phát hành hóa đơn điện tử áp dụng đối với các trường hợp dịch vụ cảng biển (dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ lưu kho, lưu bãi, dịch vụ cầu bến…có kí kết hợp đồng thanh toán qua hệ thống ngân hàng; góp ý dự thảo Nghị định quy định về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (thay thế Nghị định 163/2018/NĐ). Ngoài ra có một số kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo. 

  1. Tình hình giải quyết các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Việc trả lời, giải quyết các kiến nghị:

Trong tháng 8/2020, VCCI nhận được 47 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương (tăng gấp đôi so với tháng trước). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Nhìn chung kết quả trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trong tháng này khẩn trương hơn, nhất là việc xử lý, giải quyết các kiến nghị còn tồn đọng tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 9/5/2020.  Các trả lời kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính là cơ quan trả lời kiến nghị nhiều nhất (25 kiến nghị), còn lại là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh Cà Mau.  

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/7/2020 đến hết 30/8/2020, còn 03 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời và đã quá hạn trả lời. Nguyên nhân chậm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do trong tháng này các Bộ, ngành, địa phương tập trung trả lời các kiến nghị còn tồn đọng từ các tháng trước, đặc biệt là các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng gặp doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cần có thêm thời gian trả lời các kiến nghị mới gửi từ đầu tháng 8/2020,

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương trong tháng này được trình bày trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 8/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 33/2013/TT-NHNN về thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của ngân hàng; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động của ngân hàng; Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT); Quyết định quy định về trình tự, thủ tục Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước nước ngoài; Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025. (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- VCCI ra mắt Cổng thông tin, tư vấn EVFTA trực tuyến cho doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp ĐBSCL một cách nhanh chóng, thuận tiện, chuyên sâu và hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cổng thông tin đầu tiên có thành lập được hội đồng tư vấn và có quy trình, thời gian trả lời các câu hỏi thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến các quy định về EVFTA và các cam kết thuế quan, nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật TBT, SPS, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý …vv cũng như cách thức gia nhập thị trường EU. Doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi thông qua mục: Tư vấn trực tuyến EVFTA.

 (https://www.vccimekong.com/vi/cac-au-hoi-thuong-gap) hoặc có thể gửi email về cho Ban Thư ký (banthuky.mkpc@gmail.com). Hội đồng tư vấn sẽ trả lời và phản hồi doanh nghiệp trong vòng 3 ngày làm việc.

Ra mắt Bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho Nhà đầu tư và Doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự kiện nhằm giới thiệu tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp Bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư; chia sẻ về những điều kiện kinh doanh liêm chính để thẩm định dự án đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ tiêu chí đồng thời là nguồn tham khảo rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài chưa quen thuộc với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2020 và dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, mà Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI là đối tác chính, với sự tài trợ của Quỹ Thịnh Vương Anh.

- Tổ chức một số hội nghị, hội thảo trực tuyến, hoạt động đào tạo online theo chuyên đề: Diễn đàn về giới “Bình đẳng là thịnh vượng” tại Hà Nội; Hội thảo tham vấn doanh nghiệp về “dự thảo Thông tư ban hành danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo” tại Hà Nội; Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”…

- Tổ chức một số khóa đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp với nhiều chủ đề: tập huấn quyết toán thuế, sử dụng Incoterms hiệu quả, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, Xây dựng và phát triển thương hiệu trong thế giới phẳng, xây dựng phương án sử dụng lao động thời kỳ hậu Covid – 19…

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì Kỳ họp Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) lần thứ 48 theo hình thức hội đàm trực tuyến, với sự tham gia của 10 nước ASEAN cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch VCCI trên cương vị là Chủ tịch EABC năm 2020, đã thông tin một số nội dung quan trọng: (i) EABA nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Khuyến nghị Chính phủ mở rộng Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) bao gồm các mặt hàng nông sản khác như muối, đường, bột, dầu ăn; Sáp nhập website của ASEAN+3 và Sàn giao dịch Kinh doanh Đông Á (EABEX) để đẩy mạnh nhận thức về hợp tác công tư vì sự phát triển khu vực. (ii) Hội đồng thông báo về việc phát hành sách điện tử về hải quan trong khu vực Đông Á của EABC. Hiện nay, EABC đang triển khai thực hiện sách điện tử về đầu tư trong khu vực và dự kiến sẽ phát hành vào năm 2021. (iii) EABC hiện đang thực hiện khảo sát về triển vọng kinh doanh và Chiến lược số hóa hướng tới trạng thái bình thường mới do JETRO đồng hành và hỗ trợ triển khai. Kết quả của khảo sát sẽ được đưa vào báo cáo của EABC trình lên Chính phủ ASEAN+3. Kỳ họp Hội đồng doanh nghiệp Đông Á lần thứ 49 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020.

- Tổ chức thành công kỳ họp Hội đồng ASEAN BAC lần thứ 86 bằng hình thức họp trực tuyến với sự chủ trì của TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC 2020. Tham gia kỳ họp còn có đại diện ASEAN BAC các nước thành viên và Ban Thư ký ABAC Việt Nam. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu tập trung thảo luận về cách thức hoạt động của hai cơ chế mới là Liên minh Doanh nghiệp ASEAN thích ứng và bao trùm (ARAIBA) và Mạng lưới các nhà Sản xuất ASEAN. Các cơ chế này sẽ là nền tảng để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong khu vực hợp tác cùng phát triển, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành với làn sóng thứ hai đang diễn ra tại một số quốc gia thành viên ASEAN. ASEAN BAC Việt Nam sau đó cập nhật các thông tin mới nhất về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS); Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN; Dự án Di sản ASEAN BAC: Digital STARS. Ngoài ra, các đại biểu thảo luận về các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Đối thoại giữa ASEAN BAC và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ được tổ chức vào ngày 24/8/2020.

- Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội thảo "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19" tại Hà Nội. Chủ trì Hội nghị có Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cùng sự tham gia của đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và EU. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch VCCI cho rằng EVFTA là nền tảng quan trọng để Việt Nam và EU chung tay với nhau xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm và an toàn. Về cơ hội từ làn sóng FDI châu Âu từ EVFTA, trong bối cảnh hiện nay, theo quan điểm của VCCI, thu hút FDI quan trọng nhất chính là công nghiệp hỗ trợ. Đây là tiềm năng, cơ hội vừa sức với chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện tại. Để đảm bảo thực hiện các chương trình thực thi EVFTA, VCCI và EuroCham đã quyết định thành lập Hội đồng hỗn hợp doanh nghiệp Việt Nam-EU và sẽ ra mắt vào thời gian tới. Hội đồng này sẽ có nhóm làm việc riêng với DN Việt Nam - EU theo từng ngành hàng. Hàng tháng, hai bên sẽ trao đổi từng chủ đề theo từng nhóm ngành hàng để DN hai bên tương tác, chia sẻ.

- Phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức cuộc Hội đàm đặc biệt về Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và Hội chợ triển lãm trực tuyến Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương lần thứ nhất. CII đề xuất ý kiến hợp tác Bộ Công Thương Việt Nam và VCCI để tổ chức một hội nghị về xúc tiến đầu tư và thương mại có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, kết nối và hợp tác để đưa quan hệ thương mại song phương tăng lên 15 - 20 tỷ USD trong tương lai gần.  Hiện Ấn Độ là một trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và một số lĩnh vực sẽ tập trung hợp tác với Ấn Độ trong thời gian tới bao gồm: dược phẩm, năng lượng, điện tử và công nghệ thông tin…

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 8/2020 (Tải về)