Thái Lan mở rộng ưu đãi thuế để phục hồi kinh tế

Theo giới chức Thái Lan, các biện pháp mới sẽ giúp 3,7 triệu người được khấu trừ số tiền 30.000 baht (khoảng 2,2 triệu đồng Việt Nam) một người từ tổng thu nhập chịu thuế.

Gói hỗ trợ trị giá 11 tỷ baht này là một phần trong chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ Thái Lan nhằm vực dậy nền kinh tế được dự báo có thể giảm tới 8,5% trong năm nay.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã công bố chương trình kích thích kinh tế trị giá 60 tỷ USD trong khi Ngân hàng trung ương cũng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này phải mất hơn 2 năm để phục hồi bằng thời điểm trước dịch COVID-19, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4,1% năm 2021 và 3,6% năm 2022.

Theo số liệu thống kê của WB, Thái Lan có khoảng 8,3 triệu lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập vì tác động tiêu cực của dịch COVID-19, trong đó phần lớn là những lao động có liên quan ngành du lịch và dịch vụ.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trước những tác động của dịch COVID-19, khả năng kinh tế Thái Lan năm nay có thể đạt mức tăng trưởng -8%, thấp hơn mức dự báo tăng trưởng -4,8% đã được ADB đưa ra trước đó.

Nguyên nhân do nhu cầu của thị trường quốc tế suy giảm, các nền kinh tế phục hồi chậm do ảnh hưởng của COVID-19. ADB cũng đưa ra dự báo năm 2021, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 4,5%.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được dự đoán giảm 22,3% năm nay và tăng trưởng trở lại 7,6% trong năm 2021. Xuất khẩu suy giảm sẽ tăng áp lực tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Đầu tư tư nhân có thể giảm 12,1% trong năm 2020 và tăng trưởng trở lại 4% năm tới.

Chi tiêu công được đánh giá là một trong những biện pháp giúp phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Dự báo chi tiêu công sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm nay, tăng so với mức 2,4% đưa ra vào tháng 4/2020 nhờ các chương trình kích cầu tiêu dùng của Chính phủ. Đầu tư công cũng có thể tăng, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp nhà nước.

Cũng nhằm chuẩn bị tái khởi động việc mở cửa lĩnh vực du lịch để khôi phục ngành công nghiệp không khói với doanh thu khổng lồ để vực đây nền kinh tế nước này, các đơn vị cảnh sát liên quan đến du lịch cũng được yêu cầu hợp tác với các cơ quan nhà nước để chuẩn bị cho việc đón du khách nước ngoài đến Thái Lan theo diện visa du lịch đặc biệt. Du khách nước ngoài đáp ứng các tiêu chí của chương trình và vượt qua kiểm dịch COVID-19 sẽ được cấp visa du lịch này.

Theo đánh giá của Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan, việc nước này mở cửa cho du khách nước ngoài sẽ không tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng do du khách bắt buộc phải cách ly tại các trung tâm của nước này trong 14 ngày.

Tổng Cục Du lịch Thái Lan thông báo, du khách được cấp visa du lịch đặc biệt sẽ phải di chuyển trên các chuyến bay thuê chuyến (chartered) từ nước ngoài đến thẳng các địa điểm đã được cho phép tại Thái Lan. Dự kiến có khoảng 14.440 du khách đến Thái Lan theo diện visa trên và mang lại nguồn doanh thu khoảng 12,36 tỷ baht/năm.

Một động thái rất đáng chú ý là mới đây, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đang có kế hoạch đề xuất Ngân hàng Thái Lan gia hạn các khoản nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan sẽ hết hạn vào cuối tháng 10/2020 thêm 2 năm.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2020, tổng khoản nợ của 1,1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt 2.000 tỷ baht; con số này có thể trở thành nợ xấu nếu không được đáo hạn. Hiện nay, tổng giá trị các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 490 tỷ baht.

Theo An Bình(Báo Chính phủ)

http://baochinhphu.vn/Quocte/Thai-Lan-mo-rong-uu-dai-thue-de-phuc-hoi-kinh-te/409849.vgp