Thúc tiến độ các dự án giao thông vốn ODA

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng chiều dài 5,367 km, vừa khánh thành ngày 11/10.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ khởi công 4 dự án 

Theo Bộ GTVT, công trình sẽ khởi công đầu tiên, dự kiến ngay trong tháng 10/2020 là dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc bộ (dự án WB6) - hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định. Dự án do Ban quản lý dự án (QLDA) Đường thủy làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 1.837 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 4 gói thầu xây lắp hiện tại đã có kết quả lựa chọn nhà thầu của 2 gói thầu xây lắp. Dự kiến, các gói thầu đầu tiên sẽ khởi công xây dựng ngay trong trong tháng 10/2020. Dự án dự kiến thi công trong khoảng 3 năm với mục tiêu xây dựng kênh, âu tàu, cầu vượt âu tàu và đường dẫn nhằm kết nối sông Đáy với tuyến vận tải thủy ven biển qua cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ, Nam Định); phục vụ tàu pha sông biển trọng tải từ 2.000 DWT đầy tải đến 3.000 DWT giảm tải đi qua; góp phần phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc - Nam.

Ngược lên phía Bắc, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc (tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn viện trợ của Chính phủ Úc và vốn đối ứng trong nước do Ban QLDA 2 triển khai cũng chuẩn bị hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công xây dựng. Dự án có tổng chiều dài gần 200 km, gồm 2 tuyến: Tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147 km và tuyến kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51 km. Dự án có 11 gói thầu xây lắp. Dự kiến các gói thầu xây lắp đầu tiên sẽ khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2020. Tiếp đó, Ban QLDA 2 cũng đang thực hiện dự án 

tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng) sử dụng vốn vay WB. Dự án có 8 gói thầu xây lắp. Dự kiến, các gói thầu đầu tiên sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Cả hai dự án đều sẽ kết thúc thi công vào cuối năm 2022.

Tại khu vực phía Nam, một dự án ODA lớn khác sử dụng vốn vay của  ADB đang được Tổng công ty Cửu Long gấp rút hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công là dự án xây dựng tuyến nối quốc lộ (QL) 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên (tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng) đi qua hai tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ. Dự án dự kiến khởi công xây dựng trong quý I/2021 và hoàn thành trong năm 2023. Cuối năm 2020, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào khai thác thì tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên được xem là một mảnh ghép quan trọng để góp phần hoàn thiện bức tranh mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của An Giang, Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung.

Hoàn thành một dự án ODA quan trọng tại Thủ đô

Còn tại Thủ đô Hà Nội, Bộ GTVT cũng mới phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ khánh thành một dự án ODA là dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường Vành đai 3. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước), có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, được thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp, gói 1 đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế do liên danh Sumitomo - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 thi công; gói 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long do liên danh Tokyu - Taisei Corporation thi công. Cùng với các dự án đã hoàn thành trước đây, cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3, tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối các khu vực phụ cận, giao thông nội đô, giao thông liên vùng; đồng thời kết nối các đường giao thông huyết mạch, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội và vùng Thủ đô.

Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội; bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các khu vực này. Trong tương lai, khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến Vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của TP. Hà Nội cũng như khu vực hai bên sông Hồng, tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô.

Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội; bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các khu vực này. 
Theo Trí Dũng – Văn Nam(Thời báo tài chính)
 
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-16/thuc-tien-do-cac-du-an-giao-thong-von-oda-93585.aspx