Xây dựng cơ chế kiểm soát tính hợp pháp gỗ nguyên liệu nhập khẩu

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phúc Nguyên

Ngày 16/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ  và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cùng các hiệp hội, hội trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ tổ chức hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam”.

Doanh nghiệp hoan nghênh quy định đảm bảo gỗ hợp pháp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (NĐ 102). Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là xây dựng các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Các cơ chế này được dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý (quốc gia) và loại gỗ. Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn về việc thực hiện NĐ 102 để nghị định này đi vào cuộc song.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, NĐ 102 sẽ có hiệu lực từ ngày 30/10/202; việc thực hiện nghị định này có một lộ trình dài và nghị định có 5 nội dung sẽ có hiệu lực ngay.

Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ công bố danh mục các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam; danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam; danh mục gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; các quốc gia có hệ thống chứng chỉ gỗ quốc gia được Việt Nam công nhận là đáp ứng tiêu chí gỗ hợp pháp và các thủ tục hành chính thực hiện nghị định này.

Là một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi, đại diện Công ty gỗ Hưng Long cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rất quan tâm đến NĐ 102. Doanh nghiệp rất hoan nghênh việc thực thi các quy định nhằm đảm bảo gỗ hợp pháp để các doanh nghiệp có sự cạnh tranh công bằng.

Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, Tổng cục Lâm nghiệp cần sớm ban hành danh sách các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam, các loài gỗ đã nhập khẩu… để các doanh nghiệp nhập khẩu có sự chủ động sớm vì thường doanh nghiệp phải ký hợp đồng nhập khẩu trước cả năm.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho biết, việc xây dựng và kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loài rủi ro có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành, thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

Kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại là vấn đề sống còn của ngành gỗ

Tại hội thảo, các đại biểu bàn về giải pháp ứng phó rủi ro gian lận thương mại trong ngành gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập nhận định, kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại là vấn đề sống còn của ngành gỗ nói riêng và tất cả các ngành kinh tế nói chung. Vấn đề quan trọng tiếp theo là làm thế nào để kiểm soát được các rủi ro này.

Một số chuyên gia kiến nghị, giải pháp quan trọng là từ nguồn dữ liệu thống kê xuất, nhập khẩu, cơ quan hải quan phối hợp với thông tin từ doanh nghiệp và các hội hội xác định các sản phẩm có dấu hiệu rủi ro.

Nguồn thông tin thống kê xuất nhập khẩu từ cơ quan hải quan cho phép xác định được việc gia tăng bất thường trong khâu xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam vào Mỹ và trong khâu nhập khẩu mặt hàng này, hoặc bộ phận của mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Đáng chú ý, bên cạnh đề xuất các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu, Viforest và các hiệp hội gỗ đề nghị cơ quan quản lý thành lập nhóm hành động, với sự tham gia của các bên liên quan, nhằm phát hiện và xử lý vấn đề nhanh và hiệu quả nhất.

Ông Đinh Ngọc Minh - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần có các đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp kiểm tra làm rõ các doanh nghiệp gian lận như thế nào. Hiệp hội cũng cần thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh không chân chính và chia sẻ với các cơ quan quản lý.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thời gian tới phía Cục cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)… thông tin cụ thể về các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra, giám sát...

Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cũng khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu mà có có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay.

Theo Phúc Nguyên(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-16/xay-dung-co-che-kiem-soat-tinh-hop-phap-go-nguyen-lieu-nhap-khau-93596.aspx