Đến hạn chót, còn 13 “ông lớn” BOT chưa triển khai thu phí không dừng ETC

Sau nhiều lần việc thu phí điện tử không dừng (ETC) bị chậm tiến độ, mới đây Thủ tướng lại vừa có chỉ thị chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng (ETC). Trạm nào không thực hiện thu phí tự động ETC đúng thời hạn sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, đến thời điểm này vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng với nhà cung cấp dịch vụ. Việc đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 giữa nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT gặp nhiều vướng mắc.

Theo Bộ GTVT, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) có tổng số 33 trạm thuộc quản lý 22 nhà đầu tư BOT. Nhưng đến thời điểm này mới có 9 nhà đầu tư BOT đang quản lý 16 trạm thu phí ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với nhà cung cấp dịch vụ.

Như vậy, vẫn còn 13 nhà đầu tư BOT với 17 trạm thu phí chưa ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Do đó nguy cơ chậm, không thực hiện đúng Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ nhiều khả năng xảy ra.

Danh sách 13 nhà đầu tư BOT gồn: Công ty CP BOT&BT Đức Long Đăk Nông, Công ty Cổ phần BOT cầu Rạch Miễu, Công ty TNHH đầu tư Cổ Chiên, Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV CICO501 BOT QL26, Công ty Cổ phần Đức Thành-Gia Lai, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình, Công ty Cổ phần Phát triển cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).

Nhóm đã chốt điều khoản hợp đồng bao gồm 3 nhà đầu tư BOT (4 trạm), gồm Công ty TNHH BOT 36.71, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan, Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20.

Nhóm đang đàm phán hợp đồng bao gồm 4 nhà đầu tư BOT (4 trạm), gồm Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC, Công ty cổ phần BOT 38, Công ty TNHH BOT Phú Hà, Công ty cổ phần BOT Vietracimex8.

Nhóm không đàm phán được hợp đồng dịch vụ do nhà đầu tư BOT đề nghị vận hành trạm thu phí bao gồm 2 nhà đầu tư BOT (4 trạm) gồm Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả - Khánh Hòa, Công ty CPĐT Đèo Cả (DCIC).

Có 4 nhà đầu tư BOT (5 trạm) đề nghị Bộ GTVT làm việc trước khi nhà cung cấp dịch vụ đàm phán bao gồm gồm: Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Công ty cổ phần BOT Quang Đức - Gia Lai, Công ty CP Đầu tư cầu Mỹ Lợi, Công ty CP BOT cầu Thái Hà.

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy những vướng mắc chủ yếu trong đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 với các lý do chính như: nhà đầu tư BOT yêu cầu sau khi có văn bản chấp thuận của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT mới bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ lắp thiết bị; cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên; nhà đầu tư BOT đề nghị vận hành trạm thu phí; mức phí dịch vụ.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định 19/2020 về thu phí tự động không dừng của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đối với các trạm thu phí dịch đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng.

Về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay.

Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thu phí với các trạm BOT chưa thực hiện thu phí điện tử không dừng kể từ 31/12./.

Theo Phi Long/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/den-han-chot-con-13-ong-lon-bot-chua-trien-khai-thu-phi-khong-dung-etc-786893.vov