Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua Amazon

Phó Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh ĐD

Sáng ngày 21/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon”. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Amazon Global Selling Vietnam phối hợp tổ chức, đã thu hút hơn 200 đại diện các doanh nghiệp (DN) quan tâm đến việc đưa hàng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ quan tâm, tham dự.

Cơ hội cho hàng Việt vươn xa

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc ITPC cho biết, Hoa Kỳ là một thị trường lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm - cao hàng đầu thế giới (số liệu năm 2019 – theo World Bank), cùng với văn hóa tiêu dùng, đã tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn còn rất nhiều dư địa cho DN Việt Nam khai thác.

Tuy nhiên, với một thị trường lớn và nhiều cạnh tranh, việc bán hàng thông qua các kênh trung gian và phân phối truyền thống thường chịu chi phí cao gây khó khăn cho các DN. Với sự bùng nổ của internet và TMĐT, DN Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Hoa Kỳ. Thị trường TMĐT Hoa Kỳ hiện đang phát triển với tốc độ nhanh, dự kiến từ mức hơn 343 tỷ USD của năm 2019 lên hơn 476 tỷ USD vào năm 2024.

Theo bà Nguyễn Phương Trinh - Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam, Amazon hiện là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại Hoa Kỳ, có doanh số bán lẻ TMĐT đứng đầu thị trường này. Tính đến tháng 2/2020, Amazon chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ. Công ty cũng có nền tảng mua sắm trên thiết bị di động phổ biến nhất về phạm vi tiếp cận và số lượng người dùng hàng tháng tại Hoa Kỳ.

Về quy mô, Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic. Vì vậy, tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon sẽ giúp DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ dễ hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu cũng như phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Phương Trinh cũng chia sẻ thông tin về xu hướng thị trường và ngành hàng tiềm năng, khuyến nghị đối với một số loại sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các yêu cầu về chất lượng khi bán hàng trên Amazon, đặc biệt là thông tin về thời điểm tiêu thụ mạnh nhất các mặt hàng tiêu dùng tại Hoa Kỳ.

Đây được xem là thông tin hữu ích giúp DN có thể lựa chọn thời điểm phù hợp để đẩy mạnh hoạt động bán hàng. Đơn cử như các sản phẩm trang điểm làm đẹp, tạp hóa, thực phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe thì tiêu thụ tốt vào hầu hết các tháng trong năm. Còn đối với sản phẩm cho mẹ và bé, thời điểm tiêu thụ tốt là vào ngày của Mẹ (giữa tháng 4 – giữa tháng 5), ngày Thành viên Prime (tháng 7), dịp cuối năm và Giáng sinh (tháng 11 – tháng 12)…

4 bước thâm nhập thị trường Hoa Kỳ bằng Amazon

Tại hội thảo, bà Kha Lệ Trinh - Quản lý tài khoản của Amazon Global Selling Vietnam, đã chia sẻ cụ thể về 4 bước giúp các DN dễ dàng tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng Amazon.

Bước đầu tiên là chọn sản phẩm muốn bán dựa vào các công cụ thống kê, phân tích sẵn có trên Amazon.com như Amazon Best Sellers (sản phẩm bán chạy nhất), Amazon Hot New Releases (sản phẩm mới được ưa chuộng nhất), Amazon Movers & Shakers (sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất về xếp hạng bán hàng trong 24 giờ), Amazon Most Wished For (sản phẩm khách hàng Amazon muốn mua nhất), Amazon Gift Ideas (sản phẩm làm quà tặng phổ biến nhất)… hay công cụ nghiên cứu và thăm dò sản phẩm (Amazon Marketplace App) để có thể định hình ý tưởng kinh doanh cho sản phẩm.

Bước thứ hai là đăng tải sản phẩm. Người bán phải thông tin mô tả sản phẩm và chọn một cách thức đăng tải phù hợp (từng sản phẩm hay nhiều sản phẩm cùng một lúc). Chi tiết đăng tải phải bằng tiếng Anh, có định danh sản phẩm tiêu chuẩn bằng mã vạch thương mại toàn cầu (GTIN) như UPC, ISBN, EAN.

Theo bà Kha Lệ Trinh, nếu nhà sản xuất không cung cấp GTIN, người bán có thể gửi yêu cầu bằng cách nộp một trong hai hồ sơ sau: tên sản phẩm và tối thiểu là 2 (tối đa là 9) hình ảnh hiển thị tất cả các mặt của sản phẩm và bao bì hoặc gửi yêu cầu tại https://sellercentral.amazon.com/gtinx/browser.

Để được phê duyệt, hóa đơn mua hàng phải được phát hành trong vòng 180 ngày gần nhất; bao gồm đầy đủ tên và địa chỉ của nhà bán hàng, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối; hiển thị ít nhất 10 đơn vị sản phẩm được mua. Amazon cũng yêu cầu phải chụp sản phẩm thật, chưa qua chỉnh sửa, không phải ảnh do máy tính tạo ra; hiển thị rõ tất cả các mặt của sản phẩm hoặc bao bì, gồm số mô hình, tên sản phẩm hoặc cả hai, thể hiện tên và địa chỉ DN hoặc nhà sản xuất; những thông tin quan trọng phải được viết bằng ngôn ngữ của nước mà sản phẩm được bày bán.

Bước ba là hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA). Đây là bước phát triển kinh doanh trực tuyến bằng cách tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và các sự lựa chọn chuyển hàng đạt chuẩn quốc tế của Amazon. Với FBA, người bán sẽ lưu trữ các sản phẩm tại kho hàng của Amazon, nhân viên Amazon sẽ lấy hàng, đóng gói, vận chuyển và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho những sản phẩm này.

“Cuối cùng là bán hàng và quảng bá sản phẩm trên Amazon. Người bán có thể sử dụng các công cụ của Amazon như Brand Registry (đăng ký thương hiệu), Seller Support  (hỗ trợ người bán) và Sponsored Products (quảng cáo dùng từ khóa) để quảng bá và phát triển việc kinh doanh sản phẩm theo hướng hiệu quả nhất…" – bà Kha Lệ Trinh nói./.

Đỗ Doãn