Lazada hỗ trợ 150.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số ITU Digital World 2020, phiên thảo luận trực tuyến "Why Việt Nam" (Tại sao Việt Nam) tập trung thảo luận về môi trường chuyển đổi số và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ số. Chia sẻ góc nhìn về nội dung này gồm 10 đại diện các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cơ hội chuyển đổi số lớn

Tại phiên thảo luận, các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận định rằng đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ số tại Việt Nam nhờ ưu đãi về chính sách cho lĩnh vực này, giá cả cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghệ cao phát triển....

Về chính sách, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển đổi số nhờ "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được phê duyệt vào tháng 6.

Phiên thảo luận trực tuyến Why Việt Nam (Tại sao Việt Nam) trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số ITU Digital World 2020. Ảnh: ITU

Phiên thảo luận trực tuyến "Why Việt Nam" (Tại sao Việt Nam) trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số ITU Digital World 2020. Ảnh: ITU

Đại diện cho công ty phần mềm Ấn Độ có ý định đầu tư tại Việt Nam, ông Ravi Vajpeyi - Giám đốc HCL Việt Nam cho rằng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số của Việt Nam cụ thể và rõ ràng, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Tham gia phiên thảo luận trực tuyến, ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá cao các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. "Covid-19 là một cú hích để nền kinh tế nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số và thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh và mạnh hơn", ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nhận xét.

Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá cao các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam. Ảnh: Lazada.

Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá cao các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam. Ảnh: Lazada.

Ngoài chính sách rộng mở, sự phát triển bền vững về hạ tầng viễn thông sẽ hỗ trợ lớn trong quá trình chuyển đổi số, theo đánh giá của ông Dennis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam - Myanmar - Campuchia và Lào. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc điều hành NashTech Việt Nam cho rằng các công nghệ mới như AI hay Bigdata sẽ có nhiều dự địa phát triển vì hơn 50 triệu người dân Việt đã và đang sử dụng smartphone, người dùng Việt cũng đang hình thành các thói quen thanh toán di động....

Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp nhận định không chỉ các công ty lớn mới quan tâm đến việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã đầu tư hoạt động này, tăng hiệu quả bán hàng.

Từ góc độ của một sàn giao dịch thương mại điện tử, đại diện Lazada cho rằng khó khăn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp hiện nay chính là khả năng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thay đổi trong tương lai khi các doanh nghiệp sử dụng Internet để đánh giá rủi ro tín dụng, chi phí giao dịch. "Theo nghiên cứu của chúng tôi, cứ 4 doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sẽ có một công ty gặp vấn đề về tài chính. Vì vậy, Lazada đang triển khai nhiều chương trình liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ về dòng tiền cho các SMEs trên nền tảng Lazada", ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói.

Lazada hỗ trợ khoảng 150.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh thành công trên nền tảng thương mại điện tử nhờ gói kích cầu kinh tế. Ảnh: Lazada.

Lazada hỗ trợ khoảng 150.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh thành công trên nền tảng thương mại điện tử nhờ gói kích cầu kinh tế. Ảnh: Lazada.

Để tăng cường hỗ trợ tài chính, sàn thương mại điện tử này tự tận dụng nguồn dữ liệu, mối quan hệ với các đơn vị logistic để đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt như cho vay thanh toán theo tuần, lãi suất vay thấp và thời gian phê duyệt bán hàng trên sàn nhanh chóng.

Đại diện Lazada cho biết sàn này hỗ trợ khoảng 150.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh thành công trên nền tảng thương mại điện tử nhờ gói kích cầu kinh tế. Các giải pháp trong gói này gồm miễn phí gia nhập sàn cho doanh nghiệp, miễn phí đào tạo doanh nghiệp về bán hàng trực tuyến, ưu đãi vận chuyển....

Chia sẻ thêm về thúc đẩy doanh số qua thương mại điện tử, ông Aurélien Palasse - Giám đốc Ubisoft Việt Nam nhận định các nội dung số sẽ đóng vai trò lớn trong tăng trưởng của bán hàng trực tuyến nên các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, khai thác nội dung số.

Cùng quan điểm, đại diện Lazada cho biết các công nghệ mới để đa dạng nội dung số sẽ hỗ trợ tích cực trong tăng trưởng doanh thu cho người bán hàng trực tuyến. Trong đó, hình thức livestream trên Lazada đang tạo ra nhiều trải nghiệm mới cho người mua, trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Điểm mạnh của hoạt đông livestream trên Lazada là khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo để giúp doanh nghiệp bán hàng tiếp cận đúng người tiêu dùng mục tiêu.

"Khả năng phân tích dữ liệu người dùng và hành vi mua sắm theo thời gian thực là yếu tố quan trọng để Lazada giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đưa ra quyết định kịp thời để tối ưu hiệu quả kinh doanh", ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói.

Theo Thanh Thảo(Vnexpress)

https://vnexpress.net/lazada-ho-tro-150-000-doanh-nghiep-vua-va-nho-chuyen-doi-so-4180002.html