Xuất hiện hiện tượng thiên nhiên 300 năm chưa từng xảy ra, TQ đối mặt khủng hoảng?

Nhiều sông băng lớn ở Trung Quốc đang tan chảy với tốc độ gây “sốc”, theo chuyên gia (ảnh: Reuters)

Các nhà khoa học cho biết họ thực sự bị “sốc” trước tốc độ biến mất quá nhanh của nhiều sông băng ở vùng núi Kỳ Liên Sơn, phía Bắc Trung Quốc. Hiện tượng này xảy ra do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo giới khoa học Trung Quốc, việc các sông băng biến mất với tốc độ chưa từng có như hiện nay khiến thời tiết thay đổi ngày càng khó lường, nơi lũ lụt nghiêm trọng, nơi hạn hán kéo dài.

Laohugou – sông băng lớn nhất ở Kỳ Liên Sơn, rộng 20 km vuông – đã bị thu hẹp khoảng 7% diện tích kể từ năm 1950.

Theo giám đốc trạm quan trắc Laohugou – ông Qin Xiang – độ dày của sông băng cũng bị sụt giảm đáng báo động.

“Độ dày của sông băng đã giảm 13 mét kể từ khi nó mới được đo đạc. Tốc độ thu hẹp của Laohugou thực sự gây sốc”, ông Qin lo ngại.

“Những sông băng ở Trung Quốc từng được mệnh danh là ‘cực thứ ba’ của thế giới. Tuy nhiên, kể từ năm 1950, sự ấm lêm toàn cầu khiến sông băng tan chảy với tốc độ cực kỳ đáng báo động”, ông Qin nhận xét.

Theo Viện Khoa học Trung Quốc, tình trạng của 2.684 sông băng ở dãy Kỳ Liên Sơn là rất tồi tệ. Tốc độ thu hẹp của các sông băng giai đoạn 1990 – 2010 nhanh hơn 50% so với từ năm 1956 – 1990.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, do tốc độ tan chảy của sông băng, khu vực hạ lưu dãy Kỳ Liên Sơn, gần Đôn Hoàng đã hình thành một hồ nước lớn giữa sa mạc. Đây là hiện tượng rất bất thường, 300 năm qua chưa từng xảy ra.

Năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến lũ lụt kỷ lục (ảnh: SCMP)

Theo các chuyên gia, việc các sông băng tan chảy sẽ khiến thời tiết Trung Quốc diễn biến ngày càng thất thường.

“Nước do băng tan tích tụ thành các hồ lớn và có thể gây lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc khi mùa mưa đến. Trong khi đó vào mùa hè, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh hạn hán”, Liu Junyan – chuyên gia khí tượng tại Tổ chức Hòa bình xanh – nhận xét.

Gu Jianwei, 35 tuổi – một nông dân trồng rau ở Tửu Tuyền, Cam Túc – cho biết, thời tiết thay đổi thất thường khiến năm nay rất ít mưa. Nước tưới khan hiếm khiến anh chỉ có thể tưới nước cho cánh đồng súp lơ của mình 2 lần trong những tháng hè gay gắt.

Súp lơ do Gu trồng cũng nhỏ hơn bình thường nhiều lần.

Shen Yongping – chuyên gia tại Học viện Khoa học Trung Quốc – cho rằng, nếu băng ở các sông cứ tan chảy với tốc độ như hiện nay, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nước trong vòng 10 năm tới. Trong khi đó, những trận lũ lụt sẽ ngày càng thảm khốc hơn.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/xuat-hien-hien-tuong-thien-nhien-300-nam-chua-tung-xay-ra-tq-doi-mat-khung-hoang-502020101120292361.htm