Kiên cường tiến bước trong gió ngược

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn tại phiên chất vấn ngày 10/11/2020 của Quốc hội.

“Quyết chí ắt làm nên”

Một Việt Nam kiên cường, theo Thủ tướng, đó là kiên cường trong tăng trưởng kinh tế; kiên cường trong giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo cuộc sống an yên cho người dân; kiên cường theo đuổi với nỗ lực cao nhất để tạo ra nền tảng chắc chắn nhất cho hành trình mà người đứng đầu Chính phủ có mượn ý thơ của Bác Hồ là, “thịnh vượng và phát triển; quyết chí ắt làm nên”.

Không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL),  sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung... Đứng lên từ gian khó, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Còn theo Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch COVID- 19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã có hơn 8 triệu việc làm mới. Năng suất lao động tăng 5,8%/ năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).

Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con Hổ châu Á” cộng lại. Đến 2045, tầng lớp này ở Việt Nam chiếm trên 50% dân số, tương đương dân số Hàn Quốc. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020…

Đau đáu điều “đặc biệt”

Tại phiên khai mạc, ngày 20/10/2020, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một điều đặc biệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Đó là, “đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.  Đau đáu với điều đặc biệt này, Thủ tướng tiếp tục dành mối quan tâm đặc biệt đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân khi tại phiên chất vấn, ông khẳng định: “Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta”.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ về một loạt hành động để nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Đó là,  cấp thiết cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục; kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, “tiền nào của nấy” về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. Người già phải được chăm sóc y tế tốt hơn; trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, tiếp đến là trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em sẽ cần được Nhà nước chi trả bảo hiểm y tế hoàn toàn...

“Một cuộc sống tốt hơn cho các gia đình Việt Nam đòi hỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí hợp lý”, Thủ tướng cho biết, “đến nay, sau nhiều nỗ lực, chúng ta đã bao phủ được mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân lên gần 91% so với 75% cách đây hơn 4 năm, bảo hiểm xã hội cũng được mở rộng chiếm 30% lực lượng lao động, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015”.

Ngậm ngùi “ngay lúc này, bão lại đổ bộ vào các tỉnh miền Trung với sức gió rất lớn”, Thủ tướng đau lòng nhắc đến, “nhiều thi thể trẻ em được tìm thấy tại hiện trường các vụ sạt lở núi. Các cháu vẫn còn chưa được học hết bài học trên lớp, chưa đọc hết mẩu chuyện, các trò chơi dang dở, nhiều ước mơ dang dở...”.

Thủ tướng quả quyết, “trẻ em khó khăn phải được sự trợ giúp của Nhà nước để việc hoc tập, phát triển bản thân không bị gián đoạn. Trước mắt, phải tập trung chăm lo cho trẻ em, học sinh khu vực miền Trung, nơi vừa chịu tác động nặng nề của bão lũ. Các em, các cháu ở đó đã không được đến trường trong nhiều tuần”.

Khéo co thì ấm

Phúc đáp nỗi lo của đại biểu Quốc hội về việc năm nay hụt thu khoảng 180 nghìn tỷ đồng và sang năm dự kiến thu ngân sách cũng sẽ thấp hơn năm nay khoảng 170 nghìn tỷ đồng thì nguồn lực đâu cho chi tiêu, Thủ tướng quả quyết không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đặc biệt là phải thực sự tiết kiệm, cương quyết đảm bảo bội chi đúng như chỉ tiêu Quốc hội giao.

Giúp cho đại biểu yên lòng hơn nữa, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến một trong những điều mà nhiệm kỳ này Chính phủ đã làm được là, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Năm 2016, Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới với sức ép gay gắt về nợ nần, mà Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng, “không còn tiền cho chi tiêu, không còn tiền cho phát triển”. Nhưng, đến năm cuối nhiệm kỳ, Chính phủ đã làm nên được kỳ tích trong giảm gánh nặng nợ, theo một cách giản dị như Thủ tướng nói là, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Trong 3 năm giảm tới gần 10%. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhận định “giảm với tốc độ như vậy, chưa có nước nào làm được như Việt Nam”.

Theo Đoàn Trần(Dân Việt)
https://danviet.vn/un-tac-sau-thong-xe-ha-noi-phan-luong-lai-giao-thong-o-nga-tu-kho-truong-chinh-2020111112184759.htm